Hiển thị các bài đăng có nhãn Sự kiện. Hiển thị tất cả bài đăng

Mùa phim Tết vừa qua được xem là “mùa” ảm đạm và tồi tệ nhất của phim Việt khi tất cả các phim đều đạt doanh thu rất thấp, thấp hơn cả những phim nhập ngoại bị chê dở. Vậy đâu là nguyên nhân khiến phim Việt thất bại thảm hại đến thế?


Phim Việt chiếu Tết đạt mức điểm thấp nhất

Tết Đinh Dậu vừa qua, theo dự kiến sẽ có 4 phim Việt ra rạp là: “Rừng xanh kỳ lạ truyện”, “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh KungFu”, “Bạn gái tôi là sếp” và “Nàng tiên có 5 nhà”. Những phim này được khởi chiếu từ 16/1/2017 đến 3/2/2017 (mùng 7 tết). Tuy nhiên, cuối cùng chỉ có 3 phim chiếu vào những ngày Tết Nguyên đán, còn “Bạn gái tôi là sếp” lại lùi lịch chiếu đến mồng 7 Tết (3/2) tức là khi kỳ nghỉ Tết đã kết thúc.

Theo đơn vị phát hành CGV, trong 3 phim Việt chiếu Tết thì chỉ có “Nàng tiên có 5 nhà” của đạo diễn Trần Ngọc Giàu là đạt 23 tỷ, xếp hàng thứ 3 trong tổng số 5 phim có doanh thu cao nhất dịp Tết. Ngoài ra, theo đơn bị phát hành Galaxy, sau 4 ngày công chiếu, “Bạn gái tôi là sếp” cũng đã cán mốc 16 tỷ với 230.000 lượt xem. “Rừng xanh kỳ lạ truyện” cũng bị đơn vị phát hành nhanh chóng rút suất chiếu nên doanh thu chỉ mang về hơn 10 tỷ.

Trong khi đó, phim dẫn đầu về doanh thu chiếu Tết lại thuộc về phim Mỹ “xXx: Return of Xander Cage” của Vin Diesel với hơn 40 tỷ đồng và “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện” phần hai của Châu Tinh Trì đạt gần 40 tỷ đồng sau 6 ngày ra mắt. Điều đáng nói là “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện” là bộ phim gây khá nhiều tranh cãi về nội dung. Phần lớn ý kiến cho rằng, đây là bộ phim khá nhàm chán, kém hấp dẫn và không phù hợp với trẻ em. Tuy nhiên, bộ phim này vẫn “vượt mặt” 3 phim Việt có sự đầu tư đáng kể về kịch bản, dàn diễn viên và quy mô thực hiện.
"Nàng tiên có 5 nhà" là phim Việt duy nhất đạt doanh thu cao trong dịp Tết. Ảnh: ĐLP.

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ phim Việt bị lép vế so với phim ngoại ngay trên “sân nhà”, ngoài lý do tâm lý hướng ngoại của số đông khán giả thì một phần do phim Việt bị dán nhãn phân loại độ tuổi. Theo đó, cả 3 phim Việt chiếu Tết đều bị giới hạn độ tuổi từ C13 - C16 khiến cho nhiều gia đình muốn đi xem phim cùng nhau cũng rất khó khăn.

Bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng, trong số 5 phim Việt chiếu trước và trong dịp Tết Đinh Dậu, chỉ 1 phim hòa vốn, 4 phim còn lại doanh thu rất thấp, thậm chí có phim “mất trắng” sau khi trừ các chi phí. Tuy nhiên, bà Lan khẳng định, việc dán nhãn phân loại độ tuổi xem phim có hạn chế đối tượng khán giả nhưng không phải là nguyên nhân khiến phim Việt thất thu. Theo bà Ngô Phương Lan, nguyên nhân chính khiến phim Việt thất thu vẫn là do chất lượng chưa đủ sức thu hút người xem.

“Việc thẩm định, đánh giá chất lượng phim được chấm theo 3 thang điểm: Loại 1 (từ 5-6,5 điểm); Loại 2 (từ 6,6- 8,5 điểm); Loại 3 (từ 8,6 đến 10 điểm). Phim Tết các năm trước hầu hết chất lượng đạt loại 2. Năm nay, các phim chỉ đạt loại 1 (5-6 điểm), mặc dù sử dụng nhiều chiêu trò”, bà Ngô Phương Lan cho biết.

Mượn chuyện dán nhãn để đẩy phim Việt vào thế khó?

Thực tế, cho đến nay, việc dán nhãn phim để phân loại theo độ tuổi vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi trái chiều. Và điều này đã gây không ít phiền toái cho các nhà sản xuất phim Việt và nhà phát hành phim khi nhập phim ngoại về chiếu tại Việt Nam.

Ông Phi Long - đại diện truyền thông của phim “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu” cho biết, bộ phim này được Cục Điện ảnh xếp loại C13 - không dành cho khán giả dưới 13 tuổi nhưng khi ra rạp lại bị hệ thống phát hành tự dán nhãn C16 - không dành cho khán giả dưới 16 tuổi. Điều này khiến nhà sản xuất bị mất đi một lượng đáng kể khán giả từ 13 đến 15 tuổi là đối tượng khán giả đầy tiềm năng của phim. Mặc dù sau đó, một số rạp chiếu đã có sự điều chỉnh nhưng sự điều chỉnh này rất chậm, thậm chí qua hết các “ngày vàng” dịp nghỉ lễ mới điều chỉnh. Chính sự “kỳ lạ” này đã khiến nhà sản xuất phải đặt câu hỏi, có hay không việc mượn chuyện dán nhãn để đẩy phim Việt vào thế khó?.

Ông Phi Long cũng bày tỏ rằng, ngay từ đầu, khi cả ba phim Việt xuất xưởng bị gắn nhãn mác giới hạn độ tuổi C13 (cấm trẻ em dưới 13 tuổi) và C16 ông đã dự đoán phim Việt sẽ “thua”.

Bản thân bà Bích Liên - Giám đốc công ty Sóng vàng, đơn vị sản xuất “Rừng xanh kỳ lạ truyện” từng thắc mắc là phim này không hề có cảnh bạo lực, hở hang... chỉ đơn thuần là phim hài mà bị dán nhãn C13.

“Phim này mà bảo tôi sửa lại để được dán nhãn P thì tôi cũng không biết sửa cái gì, vì nó có cảnh hở hang bạo lực hay phản cảm gì đâu mà cắt”, bà Liên nhấn mạnh.

Mới đây, bộ phim “50 sắc thái Đen” (50 Shades Darker) cũng đã buộc phải lùi ngày hoãn chiếu một ngày do Hội đồng thẩm định phim truyện yêu cầu cắt bớt cảnh nhạy cảm. Theo đó, bản gốc của phim có độ dài 118 phút đã bị cắt mất 7 phút còn lại 111 phút khi chiếu tại Việt Nam và được dán nhãn C18 (cấm đối tượng khán giả dưới 18 tuổi).
"Rừng xanh kỳ lạ" truyện là phim hài đơn thuần, không có cảnh hở hang, bạo lực, phản cảm... nhưng lại bị dán nhãn C13. Ảnh: ĐLP.

“John Wick: Chapter 2” đã phải hoãn lịch chiếu tới 2 lần do phải chờ Hội đồng duyệt phim “xem đi xem lại” để bắt nhà phát hành bỏ bớt những cảnh bạo lực, cắt sửa cho phù hợp với tiêu chí của Việt Nam thì mới được cấp giấy phép phát hành phim. Theo đó, bản gốc của phim là 122 phút đã bị cắt sửa lại còn 121 phút và được dán nhãn C18.

Trong khi có những phim bị kiểm duyệt rất “chặt tay” thì cũng có những phim bị đánh giá là “lòng tay” quá mức. Đơn cử như “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2” của Châu Tinh Trì bị nhiều khán giả cho là có rất nhiều cảnh bạo lực, cảnh “trai gái” và cảnh mặc hở hang… nhưng vẫn được dán nhãn P - dành cho đối tượng thông thường. Chính điều này đã khiến nhiều phụ huynh có những phản ứng khá gay gắt và tỏ ra lo ngại khi con trẻ muốn xem phim.

Ông Vũ Xuân Hưng, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia khẳng định, Hội đồng duyệt phim không hề phân biệt giữa phim nội và phim ngoại mà chỉ căn cứ vào hình thức và nội dung thể hiện. Nhưng với bảng tiêu chí phân loại phim mới vừa áp dụng từ năm 2017 thì Hội đồng duyệt phim quốc gia vẫn vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Bà Ngô Phương Lan cũng cho rằng, việc cấp phép phổ biến phim tại rạp được thực hiện theo Luật Điện ảnh. Phim được cấp phép là phim không vi phạm “Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh” quy định tại Điều 11 Luật Điện ảnh và Điều 9 Nghị định 54/2010. Việc phân loại theo độ tuổi là một công đoạn nằm trong quá trình thực hiện việc thẩm định và cấp phép phổ biến phim. Bởi vậy, nếu phim chứa những cảnh vi phạm luật, nhà sản xuất, nhà phát hành có thể xin rút không phổ biến tại Việt Nam hoặc chỉnh sửa cho hết những cảnh vi phạm đó.

Thực tế thì việc phân loại phổ biến phim theo độ tuổi là việc mà nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, bên cạnh việc dán nhãn thì họ còn có những cảnh báo mang tính tư vấn để người xem có thể hiểu được nội dung phim mà có những lựa chọn phù hợp trước khi vào rạp. Ở Việt Nam, điều này là chưa hề có.

Hà Tùng Long/Dân trí

NSND Lê Khanh cho biết, chị đã “sốc nặng” khi xem vở diễn đầu tay và bất ngờ với tài năng đạo diễn của NSƯT Trần Lực.


“Quẫn” là một vở kịch kinh điển gắn liền với tên tuổi của cố tác giả Lộng Chương vào những năm 60 của thế kỷ trước. Vở kịch này từng được NSND Trần Hoạt dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam nửa thế kỷ trước. Và đạo diễn - NSƯT Trần Lực đã quyết định làm mới lại vở kịch này để công diễn trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ vào 18/2 tới.

Trước đó, “Quẫn” cũng được công diễn trong Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2016 và đã đem lại giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho NSƯT Trần Lực, 1 giải Vàng, 2 giải Bạc cho các diễn viên. Vở diễn cũng đoạt giải Bạc tại Liên hoan.
Diễn viên của vở kịch là sinh viên năm thứ 4 khoa Sân khấu Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Ảnh: NHTT.

Nhiều người cho rằng, làm mới một vở diễn kinh điển quả là không dễ bởi nếu không khéo sẽ biến từ “làm mới” thành “phá nát”. Ngay từ đầu, khi đạo diễn Trần Lực làm mới “Quẫn” theo phương pháp ước lệ chứ không theo phong cách hiện thực như các đạo diễn khác đã khiến nhiều người nghi ngờ cách làm mới của anh, lại cộng thêm việc anh giao vở này cho chính các học trò của mình là những sinh viên năm cuối của khoa Sân khấu trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh thể hiện lại càng khiến người ta hoang mang hơn. Và thực tế là Trần Lực không những làm mới đúng nghĩa mà còn rất thành công với vở diễn này.

Không phải ai cũng biết, Trần Lực xuất thân từ sân khấu. Cha anh là GS.NSND Trần Bảng - đạo diễn, soạn giả, nhà nghiên cứu chèo, còn mẹ anh là cố nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân. Anh từng đi học đạo diễn sân khấu nhiều năm ở Bulgaria nhưng lâu nay Trần Lực có duyên với điện ảnh hơn. Từ làm diễn viên, đến đạo diễn và còn lập cả Hãng phim Đông A.

Quay trở lại sân khấu là mơ ước của Trần Lực, cũng là mong mỏi của cha mẹ muốn con nối nghiệp. Vở đầu tay, Trần Lực chọn ngay “Quẫn” - kịch bản nổi bật của tác giả Lộng Chương vang danh nửa thế kỷ trước. Trần Lực cũng chính là người hâm mộ vở kịch ấy từ thuở bé. Vì quá mê một kịch bản, một câu chuyện hay mà anh muốn dựng lại cho khán giả hôm nay được thưởng thức.
Mặc dù là vở diễn đầu tay nhưng Trần Lực đã khiến nhiều người phải "tâm phục, khẩu phục". Ảnh: NHTT.

Toàn bộ vở “Quẫn” tập trung vào diễn viên - những bạn trẻ thế hệ 9X, kể câu chuyện hài kịch từ nửa thế kỷ trước. Đó là chuyện về gia đình ông bà Đại Cát, một gia đình tư sản lâu đời trước chính sách công tư hợp doanh của Nhà nước. Lo sợ khối tài sản lớn tích cóp bị mất trắng, ông bà Đại Cát tìm mọi cách để cất giấu và tẩu tán. Bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt về sự hám của từ hai vợ chồng ông bà Đại Cát đến bà mẹ Đại Lợi và em gái Đại Hưng của ông bà đều được phơi bày...

Đạo diễn Trần Lực chọn cách dựng kịch hiện thực ước lệ (tả ý) thường quen trong sân khấu kịch hát hơn kịch nói. Sân khấu mở ra tối giản hết mức, có lúc không thấy đạo cụ gì, có lúc chỉ là một chiếc hòm ở trung tâm. Trần Lực đưa được con mắt của điện ảnh vào sân khấu nên phần "nhìn" rất đẹp, có chiều sâu. Cảnh diễn chính phía trước, đằng sau luôn có lớp người áo đen lột ra "tâm" của nhân vật. Âm thanh, âm nhạc trên sân khấu cũng do diễn viên tạo ra, ánh sáng chỉ màu trắng, vàng với mức độ khác nhau.
NSND Lê Khanh cho biết, chị đã "sốc" khi xem kịch của Trần Lực. Ảnh: NHTT.

Chia sẻ cảm xúc về vở “Quẫn”, NSND Lê Khanh cho biết, chị đã “sốc” khi xem vở diễn và bất ngờ với tài năng đạo diễn của NSƯT Trần Lực. Chị cho biết, đã từng xem vở này nhiều năm trước, thậm chí đã xem phiên bản dàn dựng do cha mình là NSND Trần Tiến đảm nhận vai chính (ông Đại Cát) nhưng khi xem lại “Quẫn” qua bàn tay dàn dựng tài tình, sáng tạo của NSƯT Trần Lực, chị đã vỡ òa cảm xúc vì sung sướng.

Đạo diễn - NSƯT Trần Lực chia sẻ, kịch bản “Quẫn” của cố tác giả Lộng Chương nói về một giai đoạn lịch sử có thật. Trong thời đại ngày nay, làm sao để khán giả cảm nhận được ý nghĩa của vở cũng như thấy được một phần lịch sử trong đó không dễ. Anh hy vọng, với góc nhìn mới mẻ của mình, “Quẫn” sẽ được khán giả đón nhận.

Theo Hà Tùng Long/ Dân trí

Giới chức Malaysia ngày 14/2 đã lên tiếng xác nhận ông Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bị ám sát tại sân bay Kuala Lumpur. Đại sứ Triều Tiên đã đề nghị trao trả thi thể.
Ông Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: Reuters)

Báo The Star của Malaysia cho biết, cảnh sát nước này hôm qua 14/2 đã lên tiếng xác nhận về việc ông Kim Jong-nam bị sát hại. Trợ lý cấp cao Cơ quan điều tra hình sự (CID) bang Selangor, ông Fadzil Ahmat, cho biết vụ việc xảy ra khoảng 9 giờ sáng 13/2 theo giờ địa phương khi ông Kim Jong-nam đang ngồi tại nhà ga hành khách của sân bay quốc tế Kuala Lumpur để chờ chuyến bay dự kiến cất cánh lúc 10 giờ cùng ngày tới Macao. Thời điểm đó, hai người phụ nữ trùm mặt xuất hiện và dùng một loại dung dịch xịt thẳng vào mặt ông khiến mắt ông bị bỏng.

"Ông ấy (Kim Jong-nam) đã nói với lễ tân tại nhà ga sân bay rằng ai đó đã giữ ông ấy từ phía sau và xịt một loại dung dịch vào mặt ông ấy. Ông ấy đã đề nghị sự giúp đỡ của lễ tân và ngay lập tức được chuyển đến phòng y tế của sân bay. Thời điểm đó, ông ấy đột nhiên bị đau đầu dữ dội và chóng mặt", ông Ahmat cho biết. Theo lời giới chức địa phương, ông Kim Jong-nam thời điểm đó đã được chuyển tới bệnh viện Putrajaya cấp cứu nhưng đã tử vong trên đường đi.

Như vậy, thông tin này có sự cải chính so với thông tin ban đầu từ truyền thông Hàn Quốc rằng ông Kim Jong-nam bị sát hại bằng kim tẩm độc tại sân bay Kuala Lumpur.

“Đến nay cảnh sát chưa phát hiện bất cứ nghi phạm nào liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, chúng tôi đã bắt đầu điều tra và xem xét một số kịch bản”, ông Ahmat nói. Ông cũng cho biết thêm: “Chúng tôi đã nhận được yêu cầu từ đại sứ quán Triều Tiên về việc trao trả thi thể ông Kim Jong-nam. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phải tiến hành khám nghiệm tử thi trước khi trao trả thi thể". Dự kiến, việc khám nghiệm tử thi sẽ được tiến hành vào hôm nay 15/2. Trong khi đó, tin tức truyền thông Malaysia nói rằng, cảnh sát đang truy tìm ít nhất hai người phụ nữ bị nghi có liên quand đến vụ ám sát.

Hiện chính phủ Triều Tiên chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về vụ việc. Về phía Hàn Quốc, giới chức nước này cho biết đang xác minh thêm thông tin và Ủy ban tình báo quốc hội có thể triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào hôm nay để thảo luận vụ việc.

Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên của Hàn Quốc cho biết, Thủ tướng Hàn Quốc sẽ chủ trì một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng an ninh quốc gia vào lúc 8h50 sáng nay 15/2 giờ địa phương để thảo luận về vụ việc này. Trong khi đó, giới chức Mỹ hiện chưa thể xác định chính xác ông Kim Jong-nam bị ám sát như thế nào.

Ông Kim Jong-nam, khoảng ngoài 40 tuổi, là con trai trưởng và từng được xem có khả năng kế nhiệm cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Tuy nhiên, năm 2001, Kim Jong-nam bị "thất sủng" sau khi dùng hộ chiếu giả để sang Nhật. Đây được coi là nguyên nhân khiến Kim Jong-il quyết định trao lại quyền lãnh đạo cho người con trai thứ ba là Kim Jong-un.

Minh Phương
Theo The Star
Nguồn: Dân trí

Khởi đầu kế hoạch công tác năm 2017, ngày 8.2, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cùng đoàn công tác của Bộ VHTTDL đã thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên. Tiếp và làm việc với Bộ trưởng có Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trần Quốc Tỏ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc cùng các vị lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành trên địa bàn...

Làm việc với lãnh đạo tỉnh, Sở VHTTDL và thăm các đơn vị trực thuộc Bộ có trụ sở tại TP Thái Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ, ông có nhiều ấn tượng đặc biệt về những tiềm năng, lợi thế đặc thù cũng như sức bật mạnh mẽ trên vùng đất có truyền thống cách mạng- Thủ đô gió ngàn. Bộ trưởng cũng lưu ý, bản sắc văn hóa cùng những giá trị truyền thống chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững của Thái Nguyên hôm qua, hôm nay và những năm sắp tới.

Không để mai một các giá trị truyền thống

“Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống hài hòa với nhịp sống hiện đại, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong bối cảnh mới đang là thách thức đòi hỏi từng đơn vị phải nỗ lực, chủ động và đổi mới. Đồng thời, trong quá trình phát triển cần lưu ý không được mải miết chạy theo cái mới mà lãng quên nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống …”, Bộ trưởng nhấn mạnh trong buổi làm việc tại ba đơn vị thuộc Bộ VHTTDL có trụ sở trên địa bàn TP Thái Nguyên, gồm: Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc; Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc và Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Gửi lời chúc mừng đầu xuân mới, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng đánh giá cao những nỗ lực của từng đơn vị, với nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành VHTTDL cũng như góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Trong đó, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đang từng bước khẳng định thương hiệu của một đơn vị nghệ thuật năng động, chuyên nghiệp.

Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc phát huy bề dày truyền thống của một “chiếc nôi” đào tạo VHNT, cung cấp nguồn nhân lực tài năng nghệ thuật cho các đơn vị nghệ thuật trong tỉnh và khu vực. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam vượt lên nhiều khó khăn để xây dựng các hoạt động ngày càng thu hút đông đảo du khách, phấn đấu xây dựng thương hiệu điểm đến của một thiết chế văn hóa uy tín, nơi lưu giữ hàng ngàn tài liệu, hiện vật độc đáo về văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Làm “thương hiệu”, tạo sức hút từ nội lực và các giá trị văn hóa đặc thù là lưu ý của Bộ trưởng đối với từng đơn vị. Là quê hương cách mạng, Thủ đô kháng chiến, Thái Nguyên cũng là vùng đất hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc miền núi phía Bắc. Vì thế, hoạt động của từng đơn vị cần hướng đến thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân Thái Nguyên. Đối với Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Bộ trưởng yêu cầu cần đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện công trình Nhà hát; đồng thời xây dựng nơi đây thành một địa chỉ đỏ luôn sáng đèn, với những chương trình có chất lượng, có sức thu hút.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên
Bộ trưởng thăm Bảo tàng Văn hóa các dân tộc VN tại Thái Nguyên

Đối với Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc, Bộ trưởng lưu ý, phải có học sinh là nhiệm vụ số một của trường. Muốn vậy, phải nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo đầu ra và năng lực thực tế của mỗi học sinh, sinh viên trưởng thành từ “chiếc nôi” này. Trong bối cảnh công tác tuyển sinh còn nhiều khó khăn, Bộ trưởng yêu cầu, nhà trường cần xác định chất lượng đào tạo, thương hiệu của đơn vị là giải pháp hàng đầu để tạo sức hút đầu vào.

Đối với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bộ trưởng yêu cầu, đội ngũ cán bộ Bảo tàng phải tiếp tục tư duy để nơi đây ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, mở rộng “đường biên” quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống ra thế giới. “Hãy luôn đóng vai là những du khách để hiểu được họ mong muốn điều gì. Mỗi trưng bày cũng cần tạo dựng những điểm nhấn, làm mới những điều tưởng chừng đã cũ để giữ chân du khách…”, Bộ trưởng nhắn nhủ.

Bộ trưởng với các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc

Sức bật và chiều sâu trong phát triển

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ ấn tượng đặc biệt của ông trước tốc độ phát triển kinh tế- xã hội cũng như sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo tỉnh đối với các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc nhấn mạnh, trong những năm qua, Thái Nguyên luôn quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp VHTTDL. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chiến lược văn hóa đối ngoại tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015- 2020. “Đã tiến hành phục dựng, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; tiến hành sưu tầm hàng chục ngàn hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa. Hiện toàn tỉnh có trên 200 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh; 8 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…”, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc cho biết.

Tạo đà cho sự phát triển của các lĩnh vực VHTTDL trên địa bàn là tốc độ tăng trưởng kinh tế, bình quân 5 năm 2011- 2015 đạt 13,1%. Thái Nguyên cũng là địa phương thu hút được nhiều dự án phát triển công nghiệp lớn, trong đó có dự án công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin với quy mô sản xuất lớn của Tập đoàn Samsung với số vốn đầu tư trên 6,4 tỉ USD.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Vũ Hồng Bắc cũng chia sẻ những khó khăn cần khắc phục trong phát triển VHTTDL. Đó là sự thiếu đồng bộ của hệ thống cơ sở vật chất, thiếu các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở; chưa có Khu liên hợp thể thao đáp ứng điều kiện thi đấu các môn thể thao thành tích cao. Hạ tầng phát triển du lịch còn hạn chế, chưa tương xứng tiềm năng; sản phẩm du lịch thiếu đa dạng và chưa hấp dẫn…

Ấn tượng trước những thành tựu trên các lĩnh vực của Thái Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, trên nền tảng cơ bản đã có, Thái Nguyên đang sẵn đà cho những bước phát triển mạnh mẽ tiếp theo. “Hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế, Thái Nguyên cần tận dụng những thời cơ, vượt qua thách thức để tạo nên sức bật mạnh mẽ, có chiều sâu. Nền tảng từ những giá trị văn hóa truyền thống cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế- xã hội trong những năm gần đây đủ để mang đến kỳ vọng về những đột phá và diện mạo phát triển toàn diện trong thời gian tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.


Bộ trưởng làm việc với Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc và làm việc với Sở VHTTDL Thái Nguyên

Liên quan đến phát triển du lịch, Bộ trưởng cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Luật Du lịch sửa đổi cũng dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp Quốc hội sắp tới. Đây chính là hệ thống pháp lý quan trọng để Thái Nguyên bám sát, tận dụng cơ hội tăng thu ngân sách, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bộ trưởng cũng lưu ý, dù tiềm năng du lịch dồi dào nhưng thời gian qua Thái Nguyên vẫn chưa có được sự phát triển tương xứng. Trong những năm tới, phải xây dựng được những sản phẩm du lịch hấp dẫn, phát triển hệ thống lưu trú, cơ sở hạ tầng; đồng thời tạo ra thị trường du lịch tại chỗ để thu hút du khách.

Liên quan đến lĩnh vực thể thao, khẳng định những đóng góp quan trọng của Thái Nguyên đối với thể thao Việt Nam với nhiều HCV trong thi đấu thể thao thành tích cao, nhiều môn thể thao thế mạnh cùng phong trào thể thao quần chúng phát triển sâu rộng, Bộ trưởng lưu ý, trong thời gian tới, Thái Nguyên cần lựa chọn và tiếp tục đầu tư, phát triển một số môn thể thao mũi nhọn, hướng đến mục tiêu phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. “Một đội bóng chuyên nghiệp, những thành tích thi đấu… chính là cách xây dựng thương hiệu cho địa phương. Thái Nguyên cần xác định rõ điều này trong chiến lược phát triển của mình”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến lĩnh vực văn hóa, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tiếp tục quan tâm và có những đầu tư xứng tầm, đặc biệt ở khía cạnh bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Phải xem việc giữ gìn những giá trị bản sắc chính là điểm tựa cho quá trình phát triển. Định hướng, chiến lược phát triển về văn hóa của tỉnh cần bám sát tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 33 cũng như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư về tổ chức các hoạt động VHNT, tổ chức biểu diễn đảm bảo sự đan xen, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trần Quốc Tỏ bày tỏ cảm ơn trước sự quan tâm sâu sát cũng như những ý kiến, gửi gắm tâm huyết của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đối với sự phát triển nói chung của tỉnh Thái Nguyên cũng như với từng lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Bí thư Tỉnh ủy cho biết, phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, Thái Nguyên trong những năm tới sẽ tiếp tục có những bước phát triển đột phá, toàn diện. Lãnh đạo tỉnh cũng bày tỏ mong muốn Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện cho sự phát triển của địa phương.

Cũng trong chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cùng đoàn công tác đã dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm Nhà truyền thống Tỉnh ủy Thái Nguyên, thăm Quảng trường Võ Nguyên Giáp và có buổi làm việc với Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên.

Theo Thu Trang; ảnh: Trần Huấn/ Baovanhoa.vn

Xô xát làm ngã bà cụ 60 tuổi vì cái dẫm chân trong lễ hội Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), 3 thanh niên bị phạt hành chính.


Lãnh đạo Công an huyện Mỹ Đức cho biết đã ra quyết định xử lý hành chính 3 thanh niên về hành vi Cố ý gây thương tích nhưng hậu quả không nghiêm trọng.
Bà cụ bị xô ngã lăn ra đất. Ảnh: Otofun

Sự việc xảy ra tại khu vực cáp treo Chùa Hương ngày 1/2 (mùng 5 Tết). Theo công an, trong đám đông chen lấn, cụ bà dẫm vào chân cô gái đang đi cùng 3 thanh niên. Sau đó nhóm này lao vào xô xát, gạt chiếc gậy khiến bà cụ ngã ra đất. Con gái cụ phản ứng cũng bị nhóm này đánh lại.

Lực lượng chức năng đến hiện trường giải quyết sự việc và xử phạt hành chính với 3 thanh niên. Hai bên sau đó đã có đơn xin tự giải quyết vụ việc. Theo nhà chức trách, bà cụ năm nay 60 tuổi, còn nhóm thanh niên quê Nam Định.

Năm 2016, Chùa Hương đón 1,4 triệu khách. Mùa lễ hội 2017, huyện Mỹ Đức dự kiến đón 1,3-1,5 triệu khách.

Phạm Dự/VnExpress

Sáng mùng 4 Tết (31/1), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và chúc Tết Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cùng đi với Thủ tướng có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và lãnh đạo một số bộ ngành Trung ương.

Báo cáo với Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết để đón Tết Đinh Dậu, cả tỉnh đã chuyển gần 170 ngàn suất quà tặng gia đình chính sách và các đối tượng xã hội. An toàn giao thông và trật tự xã hội trong những ngày Tết được giữ vững. Trong 7 ngày Tết, dự kiến tỉnh Thừa Thiên - Huế đón gần 100 ngàn lượt khách du lịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao các thành tựu kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng mà tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt được trong năm 2016. Đặc biệt, Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng du lịch.

Cũng trong năm 2016, Huế đã khắc phục mọi khó khăn hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, nhất là việc khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển do Formosa, khôi phục kinh tế biển. Tuy nhiên, lao động nông thôn, miền núi, vẫn còn chiếm cơ cấu cao. Thủ tướng đề nghị tỉnh cần tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế sáng mùng 4 Tết

Theo đó, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết xác định du lịch là nền kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, trong đó, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương trọng điểm về du lịch. Do vậy, Huế cần phát huy các thế mạnh để phát triển kinh tế du lịch, liên kết với các địa phương miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam để phát triển du lịch mạnh mẽ hơn, thương hiệu du lịch Huế phải thể hiện rõ nét hơn trên bản đồ du lịch. Và nên chuyển đổi nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp thông minh, chất lượng cao để nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn.

Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị Huế phải đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư tốt hơn, đón bắt thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ổn định từ tỉnh đến cơ sở để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

“Năm Dậu, con Gà phải cất tiếng gáy sớm, cùng với các tỉnh miền Trung gáy sớm hơn ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Chủ trương 1, biện pháp 10, chỉ đạo 20 thì mới thành công. Mà chính đội ngũ các đồng chí ngồi đây là những người làm nên cuộc cách mạng ấy ngay trong năm 2017 này.
Theo Thủ tướng: "Năm Dậu, con Gà phải cất tiếng gáy sớm"

Tôi tin rằng với truyền thống cách mạng kiên cường, và đặc biệt là những kết quả quan trọng trong thời gian qua, nhất là trong năm 2016, nhất định Thừa Thiên Huế sẽ có bước phát triển toàn diện hơn nữa, cao hơn nữa. Trên tinh thần đó, một lần nữa tôi xin chúc mừng năm các đồng chí, chúc các đồng chí đón Xuân vui vẻ với lòng quyết tâm hăng hái hơn, cụ thể hơn, quyết liệt hơn để đóng góp vào sự phát triển tỉnh nhà. Đó là niềm tin của Đảng, Chính phủ đối với các đồng chí tỉnh Thừa Thiên Huế” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Đại Dương/ Dân trí

Do việc cấp gạo, tiền hỗ trợ chính sách cho học sinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo quy định tại Nghị định 116 của Chính phủ chậm nên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các nhà trường và sinh hoạt học tập của học sinh. Có những nơi, nhà trường phải “giật gấu vá vai” để lo cho học sinh bán trú, thậm chí phải ký nợ lương thực, thực phẩm cho học sinh ăn.

Nghị định 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh (HS) và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn có hiệu lực từ ngày 1/9/2016. Đối tượng được hỗ trợ là HS Tiểu học, THCS và THPT ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho HS là đối tượng hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định này.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Tiến, huyện Quan Sơn

Qua tìm hiểu thực tế của phóng viên Dân trí, hiện nay, việc cấp gạo lần hai (3 tháng còn lại) của học kỳ 1, năm học 2016 - 2017 vừa được triển khai đến các nhà trường, đúng thời điểm HS nghỉ Tết. Cụ thể, tại huyện Quan Sơn, theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT thì trong tháng 9/2016 đã cấp ứng gạo của tháng 9 và 10, đã cấp cho HS; tiếp đó bắt đầu từ ngày 17/1, cấp gạo tiếp 3 tháng còn lại của học kỳ 1.

Riêng tiền hỗ trợ HS được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định 116 đến nay HS vẫn chưa được cấp tiền. Tại huyện Quan Sơn, qua rà soát, trên địa bàn huyện có khoảng 1.932 HS Tiểu học và THCS nằm trong diện được hưởng chính sách hỗ trợ. Huyện Quan Sơn có 7 trường bán trú thì có 5 trường nuôi ăn tập trung.

Điều kiện ăn, ở bán trú của học sinh còn nhiều khó khăn

Bà Vi Thị Trọng - Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Quan Sơn cho biết: “Riêng việc thực hiện cấp gạo chậm thôi cũng đã gây những khó khăn nhất định cho các nhà trường. Ví dụ, những trường nuôi ăn bán trú thì vẫn duy trì nuôi ăn, nhưng ban giám hiệu các nhà trường phải tìm mọi nguồn lực, thậm chí là lương của hiệu trưởng, các đồng chí trong ban giám hiệu phải bỏ ra cung ứng gạo cho HS ăn, trong quá trình chưa có gạo cấp của nhà nước. Ngoài ra, cũng huy động từ phụ huynh hỗ trợ thêm để duy trì nuôi ăn, có khó khăn nhưng các nhà trường vẫn khắc phục được”.

Cô Vũ Thị Huệ - Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Tiến, huyện Quan Sơn cho biết: “Trường có 162 HS thì có đến 124 cháu ăn bán trú. Về chế độ 116 thì cực kỳ hiệu quả, đem lại thuận lợi rất nhiều cho các nhà trường, như trường chúng tôi trước đây tỷ lệ phổ cập rất thấp, có 132 HS ngoài nhà trường. Nhà trường có tổ chức phổ cập, nhưng tính hiệu quả không cao. Từ năm 2014, trường thực hiện chế độ bán trú, tỷ lệ chuyên cần nâng lên hẳn, nhất là huy động số HS ra lớp. Không chỉ về chất lượng giáo dục mà thể lực HS rất tốt, đấy là chế độ nhà nước đến kịp thời với các cháu”.

Để giải quyết những khó khăn trong thời gian chờ đợi chế độ, nhà trường phải “giật gấu vá vai” bằng cách kêu gọi cán bộ, giáo viên chia nhau tự nguyện chậm lương, mỗi người hỗ trợ một ít để mua gạo cho HS, còn thực phẩm thì ký nợ.

Học sinh được nuôi ăn bán trú tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Tiến, huyện Quan Sơn

“Toàn bộ tiền 3% công tác bán trú là anh em tạm dừng chưa nhận để hỗ trợ HS trong giai đoạn chưa có chế độ để mua gạo, mua thực phẩm cho HS ăn. Những cô giáo, thầy giáo miền xuôi lên khó khăn thì không kêu gọi, ai tự nguyện cho nhà trường nợ lại để giải quyết cho HS rồi nhà trường trả sau. Tháng 11 vừa rồi tôi định cho HS về hết, vất vả lắm, nhìn cảnh mua gạo chênh lệch thị trường giá cao, sốt ruột lắm, Phòng giáo dục động viên, nếu cho về, HS mà bỏ học thì chết dở”, cô Huệ chia sẻ thêm.

Tại huyện Lang Chánh, ngay từ tháng 11/2016, UBND huyện đã phê duyệt số lượng và danh sách HS bán trú năm học 2016 - 2017. Theo đó, trên địa bàn huyện Lang Chánh có 732 HS thuộc 16 trường Tiểu học và THCS được hưởng chế độ hỗ trợ.

Không chỉ tại huyện Quan Sơn, Lang Chánh mà nhiều địa phương khác có HS là đối tượng được hưởng thụ chính sách theo Nghị định 116 đến nay vẫn chưa được cấp tiền hỗ trợ năm học 2016 - 2017. Đối với trường THPT, hiện Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã có công văn gửi hiệu trưởng 40 trường về việc thẩm định hồ sơ, danh sách HS được hưởng chính sách theo Nghị định 116.

Hàng nghìn học sinh nằm trong diện được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ chậm được cấp tiền

Đồng thời, ngày 12/1, Sở GD-ĐT Thanh Hóa cũng đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các huyện chỉ đạo Phòng GD-ĐT tiến hành thẩm định hồ sơ HS đối với các trường Tiểu học và THCS; tổng hợp trình UBND cấp huyện ban quyết định phê duyệt danh sách HS được hưởng chính sách hỗ trợ năm học 2016 - 2017; tổng hợp kinh phí gửi cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền bố trí dự toán kinh phí thực hiện.

Trước đó, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt danh mục địa bàn (thôn, bản) và khoảng cách HS không thể đi đến trường và trở về trong ngày để thực hiện Nghị định số 116 của Chính phủ. Theo đó, để không chậm trễ trong việc thực hiện chính sách, ảnh hưởng đến việc học tập của các cháu HS là đối tượng hưởng thụ chính sách trên địa bàn tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh tạm thời phê duyệt danh mục địa bàn thôn, bản và khoảng cách HS không thể đi đến trường và trở về trong ngày để thực hiện Nghị định 116.

Duy Tuyên

2 ngày nay, tại Bình Định trời se lạnh kèm mưa vừa khiến những người dân dựng lều bán hoa Tết lại lo sốt vó. Thâu đêm canh hoa, họ luôn thấp thỏm vì trời mưa, thậm chí còn bị các đối tượng “xin đểu”.

Giống bao nhiêu người tại khu chợ hoa Tết, cha con bác Nguyễn Phú Yên (50 tuổi, ngụ tỉnh Nam Định) dựng lều tạm bợ, thâu đêm giữa tiết trời se lạnh để canh hoa. Mỗi khi có khách, bác lại niềm nở “tiếp thị”. Cực nhất là về đêm, trời lạnh mà gặp mưa gió thì rất khổ, nước mưa dột ướt ngồi co ro thâu đêm.

Như thường lệ, năm nay, bác Yên đem vào 120 gốc đào từ Nam Định vào phố biển Quy Nhơn bán Tết. “Đêm qua, trời mưa rả rích suốt từ nửa đêm tới gần sáng. Trời càng về khuya càng lạnh nên ngủ không được mà có ngủ cũng khó chỉ chợp mắt tí lại tỉnh dậy để canh đào. Tôi chỉ mong thời tiết ấm áp, bán xong sớm còn về quê ăn Tết cùng gia đình”- bác Yên chia sẻ.
Anh Xin lo nhất là nửa đêm trời mưa gió lạnh lẽo

Còn anh Nguyễn Văn Xin (36 tuổi, ngụ phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) lại phập phồng lo cho số phận 500 chậu cúc có thể ế, nếu trời tiếp tục mưa lạnh thì hoa cúc nở càng chậm, bán sẽ mất giá. Theo anh Xin, so với các nhà vườn trồng hoa cúc ở Vĩnh Liêm (thị xã An Nhơn) hay làng cúc Bình Lâm (huyện Tuy Phước), thì làng cúc ven sông Hà Thanh ít chịu ảnh hưởng của lũ lụt nên cúc đẹp hơn. Tuy nhiên, thực tế do chịu ảnh hưởng 5 đợt lũ liên tiếp nên năm nay lượng hoa tương đối ít và sức mưa chậm.

“Tôi căng lều bán 3 hôm nay mà mới chỉ xuất được khoảng 10 chậu. Tâm lý người dân chờ cận Tết, sau khi dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ xong mới đi mua hoa về chưng. Lúc đó, họ cũng hy vọng hoa rẻ nhưng năm nay lượng hoa ít nên riêng hoa cúc, giá sẽ tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Với người bán hoa, sợ nhất là trời mưa, nằm giữa trời, lều bạt tạm bợ, gió biển thổi vào lạnh thấu xương không ngủ được. Mà tôi cũng không dám ngủ, mấy ngày này thường là thức trắng đêm”- anh Xin tâm sự.
Mảnh lều tạm bợ khó chống đỡ giữa tiết trời se lạnh và mưa những ngày cận Tết ở phố biển Quy Nhơn khiến người bán hoa lo sốt vó

Thấp thỏm vì mưa gió đã đành, những người bán hoa lạ nước lạ cái, nhất là người ở các địa phương khác đến bán ở chợ hoa Tết còn bị một số đối tượng đi “xin đểu”.

Anh Nguyễn Văn Nguyên (ngụ TP Quy Nhơn), một người bán hoa lan tại chợ hoa Tết, cho biết: “Bán hoa Tết đã cực rồi, bỏ vốn cả trăm triệu lấy hoa về bán hy vọng kiếm chút lãi nhưng còn bị một số đối tượng quấy nhiễu. Ngày đầu tiên vợ chồng tôi mới ra bán, nửa đêm đang ngủ thì có người đến đập vào lều. Tôi biết mấy tụi đi “xin đểu”, đã quen cảnh này rồi nên tôi làm thinh. Sợ nhất là mấy người ở nơi khác đến đấy bán, nếu các chủ hàng bị xin không cho, các đối tượng rất dễ sinh sự”.
Anh Nguyễn Đảo (25 tuổi, bên phải) cùng 2 người bạn ăn vội hộp cơm bụi để tiếp thị hoa cho khách
Cơm đùm cơm nắm, thâu đêm bán hoa Tết
Người dân bắt đầu mua hoa đào chưng Tết

Doãn Công

Lộng lẫy, kiêu sa trong váy cưới thướt tha được thiết kế từ cảm hứng về hoa Rum, Hoa hậu Thu Ngân đẹp rạng rỡ bên vị hôn phu, doanh nhân Doãn Văn Phương trong tiệc cưới diễn ra tối nay, ngày 17/1 tại Hà Nội.



Hình ảnh trong tiệc cưới của Hoa hậu Thu Ngân:


Váy cưới lộng lẫy của Hoa hậu Thu Ngân lấy thiết kế dựa trên cảm hứng từ hoa Rum.
Váy cưới được thiết kế cầu kỳ, nhiều tầng lớp nhìn từ đằng sau.
Hoa hậu Thu Ngân đẹp lộng lẫy trong tiệc cưới diễn ra tối nay, ngày 17/1 tại Hà Nội.
Người đẹp 21 tuổi không giấu niềm hạnh phúc trong ngày trọng đại.
Khi quan khách ổn định chỗ ngồi, cô dâu tình tứ khoác tay chú rể Doãn Văn Phương lộ diện.
Vẻ đẹp của Hoa hậu Thu Ngân thu hút nhiều sự chú ý.


Trước đó, Thu Ngân cũng chia sẻ niềm hạnh phúc trên trang cá nhân.
Cặp đôi chụp ảnh kỷ niệm với anh em, họ hàng.
Dù rất bận rộn cho buổi ghi hình Táo quân, NTK cho Táo quân, Đức Hùng vẫn đến chúc phúc cho Hoa hậu Thu Ngân.
NTK Đức Hùng và Hoa hậu các dân tộc Ngọc Anh chụp ảnh kỷ niệm cùng cô dâu chú rể.


Thu Ngân chụp ảnh cùng bố mẹ.

Thu Ngân được vị hôn phu săn sóc từng chút.
Cặp đôi thực hiện nghi lễ cắt bánh cưới...
rót rượu uống mừng cho ngày hạnh phúc.

Đám cưới của Hoa hậu Thu Ngân và doanh nhân Doãn Văn Phương có sự tham gia của hơn 1000 quan khách.

Nguyễn Hằng (Dân trí)
Ảnh: Đại Hoàng

Chỉ ít ngày sau khi tuyến cáp quang AAG nối Việt Nam đi quốc tế gặp sự cố, thêm một tuyến cáp quang thứ 2 đi quốc tế từ Việt Nam là tuyến cáp quang Liên Á (IA), cũng gặp vấn đề tương tự. Điều này càng khiến cho việc truy cập Internet từ Việt Nam đi quốc tế càng trở nên bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo thông tin từ một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đang khai thác tuyến cáp quang Liên Á biển (IA) cho biết thì tuyến cáp quang này đã gặp sự cố vào sáng ngày 10/1, tại vị trí gần Hồng Kông. Sự cố này sẽ làm ảnh hưởng đến lưu lượng kết nối Internet của người dùng Việt Nam đi quốc tế được thực hiện qua tuyến cáp quang này, chủ yếu đến các trang web, dịch vụ trực tuyến đặt máy chủ tại Nhật Bản hay Hồng Kông...

Tuyến cáp quang quốc tế IA gặp sự cố chỉ một ngày sau khi tuyến cáp quang AAG cũng gặp phải sự cố

Hiện tại ở Việt Nam có 3 nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam đang khai thác tuyến cáp quang Liên Á này, bao gồm Viettel, FPT và CMC. Trong thời gian tuyến cáp IA gặp sự cố, các nhà mạng này sẽ chuyển lưu lượng kết nối khách hàng của mình sang các tuyến cáp quang quốc tế khác để để bảo chất lượng dịch vụ.

Điều đáng nói là sự cố gặp phải với tuyến cáp quang IA xảy ra chỉ một ngày sau khi sự cố khác gặp phải với tuyến cáp quang AAG nối Việt Nam đi Mỹ qua Thái Bình Dương, điều này càng khiến việc truy cập Internet từ Việt Nam đi quốc tế gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Dự kiến phải đến ngày 18 và chậm nhất đến ngày 23/1, sự cố gặp phải với tuyến cáp quang AAG mới có thể được khắc phục.

Tuy nhiên, do tuyến cáp quang Liên Á chỉ kết nối giữa các quốc gia tại châu Á nên phạm vi ảnh hưởng bởi sự cố này sẽ không nghiêm trọng như sự cố với tuyến cáp quang AAG. Hiện tại AAG vẫn đang là tuyến cáp quang chính, chiếm đến 60% lưu lượng Internet từ Việt Nam đi quốc tế.

Tuyến cáp quang Liên Á (IA) được chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11/2009, có tổng chiều dài 6.800km, nối liền Việt Nam, Singapore, Philippines, Hồng Kông, Nhật Bản. Tuyến cáp quang này có mức đầu tư ban đầu 200 triệu USD và được thiết kế với lưu lượng toàn tuyến đạt 320Gbps.

T.Thủy

Ngày đầu tiên của năm 2017, tại Phủ Lý, Hà Nam đã diễn ra một đám cưới đặc biệt của một đôi uyên ương đã bước qua tuổi 70, khiến cả xã xôn xao.

Cũng như bao đám cưới khác, đám cưới của đôi uyên ương này cũng có trầu cau, lễ ăn hỏi, lễ đón dâu, xe hoa, sính lễ… Điểm đặc biệt thu hút sự quan tâm của người dân ở đây là tuổi tác của cặp uyên ương, khi cả chú rể và cô dâu đều đã bước sang tuổi 70.
Cô dâu trang điểm chuẩn bị cho lễ cưới
Chú rể tên Lý, 73 tuổi, ở xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; cô dâu tên Xuân, 70 tuổi, ở xã Liêm Chính, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Đám cưới đặc biệt này nhận được vô vàn lời chúc phúc của cả người thân quen lẫn người lạ. Ai cũng mừng cho cô dâu và chú rể bước sang tuổi 70 vẫn tìm được hạnh phúc tuổi già.
Con cháu của cô dâu và chú rể cho biết, trước đây 2 ông bà mỗi người đều từng có gia đình riêng nhưng đều góa bụa. Được sự động viên của con cháu 2 bên, muốn tìm cho các cụ người bầu bạn để vơi bớt nỗi buồn tuổi già, sau một thời gian tìm hiểu, giữa ông Lý và bà Xuân đã nảy sinh tình cảm và hai cụ quyết định về sống chung dưới một mái nhà.
Quyết định làm lễ cưới của ông bà nhận được sự đồng tình và hưởng ứng cao từ con cháu hai bên. Ai cũng vui mừng và chúc phúc cho cô dâu, chú rể đã tìm được hạnh phúc ở tuổi xế chiều.
Đúng ngày đầu năm mới 2017, hai cụ quyết định tổ chức đám cưới với đầy đủ các nghi thức như một đám cưới bình thường, trước sự vui mừng, hân hoan của con cháu đôi bên.

Chú rể 73 tuổi chuẩn bị đi xin dâu.

Cô dâu (bên phải) và hạnh phúc trong lễ cưới

Chú rể và cô dâu dâng hương lên gia tiên

Lên xe hoa

Hạnh phúc viên mãn của cặp đôi ở tuổi xế chiều.
Đức Văn

Bùi Trang Nhung trở thành cô gái nổi bật nhất ở vườn đào Nhật Tân (Hà Nội) trong những ngày lễ hội nhờ trang phục độc đáo kết hợp giữa áo dài và áo tứ thân.

Hình ảnh của Bùi Trang Nhung diện trang phục lạ dạo vườn đào Tết do nhiếp ảnh Đỗ Xuân Bút thực hiện.

Bộ trang phục có thiết kế độc đáo và màu sắc tươi tắn của Trang Nhung khiến cô trở nên nổi bật giữa vườn đào Nhật Tân - nơi đang là địa điểm "nóng" thu hút các bạn trẻ ghé tới chụp ảnh trong những ngày giáp Tết.

Trang Nhung cho biết, trang phục của cô do một người bạn tặng. Trang phục do cô và người bạn ấy cùng lên ý tưởng thực hiện, lấy cảm hứng từ áo dài và áo tứ thân - hai trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

Trang Nhung hết sức "ăn ảnh" trong bộ trang phục lạ này.

Bùi Trang Nhung là một doanh nhân trẻ, làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe làm đẹp, đồng thời cô cũng là một người mẫu ảnh, người mẫu TVC.


Nhung chia sẻ: "Cả năm chúng ta đã làm việc, đã như cuốn vào vòng xoay rồi. Tết là khoảng thời gian để về với ng thân, về với gia đình. Để được thể hiện tình cảm, quan tâm đến những người mình yêu thương và vui với những gì mình đã đạt được, những may mắn trong 1 năm thì hãy chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Em rất mong ai cũng có được một cuộc sống đủ đầy và bình an".


Là một phụ nữ trẻ, hiện đại, Nhung muốn nhắn nhủ: "Em muốn nhắn nhủ các cô các chị các bạn, hãy luôn yêu thương quan tâm gia đình và những người bên cạnh mình nhưng cũng không quên chăm lo cho bản thân. Dù cò chuyện gì và trong hoàn cảnh nào cũng vững niềm tin, luôn suy nghĩ tích cực, luôn giữ trên môi nụ cười...".


Những hình ảnh của Trang Nhung trên vườn đào Nhật Tân.







Theo Dân Trí
Được tạo bởi Blogger.