Hiển thị các bài đăng có nhãn Thế giới. Hiển thị tất cả bài đăng

Thầy giáo tiếng Anh Quang Nguyen chia sẻ câu chuyện thực tế khi đi ăn ở cửa hàng tại Mỹ và việc lóng ngóng chưa hiểu mối liên hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa.


Ngày xưa, tôi vốn tự tin đọc thông viết thạo tiếng Anh, một ngày được "hậu bối" hỏi: Anh ơi, nếu ra nước ngoài ăn hàng mà muốn gọi người phục vụ thì mình làm thế nào?

Dù chưa có kinh nghiệm, tôi vẫn trả lời theo "sách vở": Em cứ gọi "Excuse me", "Mr." hoặc "Ms." là được.

"Hậu bối" nhìn tôi đầy ngưỡng mộ, gật gù tán thưởng.

Ngày sang Michigan, Mỹ, tôi cùng người yêu đi "restaurant" cùng một "couple" người Mỹ. Quán Steak (phát âm là /steɪk/) ấm cúng, phục vụ là một bà "waitress" mặt nhăn nhó như "monkey eats chilly".

Đang ăn, tôi muốn "order" thêm bánh mì (bread), nên gọi phục vụ, đang đứng ở đằng xa:

- Excuse me?

Người phục vụ ném một cái nhìn đầy khó chịu về phía tôi. Tôi bối rối, hắng giọng, gọi to hơn:

- Miss!

Bà ném thêm cái nhìn khó chịu nữa rồi ngúng nguẩy đi phục vụ bàn khác. Tôi ngớ người.
Học ngôn ngữ đồng nghĩa với học văn hóa để có thể áp dụng chính xác trong từng trường hợp. Ảnh: The Weekly Review


Người bạn ngồi cùng giải thích:

- In restaurants, especially good ones, people don't often call waiter or waitress.

Tôi ngạc nhiên:

- So what if we want to order something more, like adding more water or calling more food?

- The waitress will regularly come to the table to check and ask. So we just sit and wait for her.

- Do you ever call a waiter or waitress in restaurants like this?

- Yes, we do, if it takes too long. But normally, they will come and check. Anyway, we are the one who tip them.

Tôi mới hiểu, ở các cửa hàng Mỹ, thông thường người ta không gọi "cô ơi" hay "chị ơi". Họ ngồi đợi, và người phục vụ sẽ đến bàn để kiểm tra một cách thường xuyên, đảm bảo độ hài lòng của khách hàng, đảm bảo tiền "tip" của mình.

Trường hợp đợi lâu quá, người ta cũng chỉ giơ tay ra hiệu, chứ không gọi toáng lên như trong văn hóa nhà mình.

Theo Quang Nguyen/ Nguồn: VnExpress

Giới chức Malaysia ngày 14/2 đã lên tiếng xác nhận ông Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bị ám sát tại sân bay Kuala Lumpur. Đại sứ Triều Tiên đã đề nghị trao trả thi thể.
Ông Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: Reuters)

Báo The Star của Malaysia cho biết, cảnh sát nước này hôm qua 14/2 đã lên tiếng xác nhận về việc ông Kim Jong-nam bị sát hại. Trợ lý cấp cao Cơ quan điều tra hình sự (CID) bang Selangor, ông Fadzil Ahmat, cho biết vụ việc xảy ra khoảng 9 giờ sáng 13/2 theo giờ địa phương khi ông Kim Jong-nam đang ngồi tại nhà ga hành khách của sân bay quốc tế Kuala Lumpur để chờ chuyến bay dự kiến cất cánh lúc 10 giờ cùng ngày tới Macao. Thời điểm đó, hai người phụ nữ trùm mặt xuất hiện và dùng một loại dung dịch xịt thẳng vào mặt ông khiến mắt ông bị bỏng.

"Ông ấy (Kim Jong-nam) đã nói với lễ tân tại nhà ga sân bay rằng ai đó đã giữ ông ấy từ phía sau và xịt một loại dung dịch vào mặt ông ấy. Ông ấy đã đề nghị sự giúp đỡ của lễ tân và ngay lập tức được chuyển đến phòng y tế của sân bay. Thời điểm đó, ông ấy đột nhiên bị đau đầu dữ dội và chóng mặt", ông Ahmat cho biết. Theo lời giới chức địa phương, ông Kim Jong-nam thời điểm đó đã được chuyển tới bệnh viện Putrajaya cấp cứu nhưng đã tử vong trên đường đi.

Như vậy, thông tin này có sự cải chính so với thông tin ban đầu từ truyền thông Hàn Quốc rằng ông Kim Jong-nam bị sát hại bằng kim tẩm độc tại sân bay Kuala Lumpur.

“Đến nay cảnh sát chưa phát hiện bất cứ nghi phạm nào liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, chúng tôi đã bắt đầu điều tra và xem xét một số kịch bản”, ông Ahmat nói. Ông cũng cho biết thêm: “Chúng tôi đã nhận được yêu cầu từ đại sứ quán Triều Tiên về việc trao trả thi thể ông Kim Jong-nam. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phải tiến hành khám nghiệm tử thi trước khi trao trả thi thể". Dự kiến, việc khám nghiệm tử thi sẽ được tiến hành vào hôm nay 15/2. Trong khi đó, tin tức truyền thông Malaysia nói rằng, cảnh sát đang truy tìm ít nhất hai người phụ nữ bị nghi có liên quand đến vụ ám sát.

Hiện chính phủ Triều Tiên chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về vụ việc. Về phía Hàn Quốc, giới chức nước này cho biết đang xác minh thêm thông tin và Ủy ban tình báo quốc hội có thể triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào hôm nay để thảo luận vụ việc.

Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên của Hàn Quốc cho biết, Thủ tướng Hàn Quốc sẽ chủ trì một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng an ninh quốc gia vào lúc 8h50 sáng nay 15/2 giờ địa phương để thảo luận về vụ việc này. Trong khi đó, giới chức Mỹ hiện chưa thể xác định chính xác ông Kim Jong-nam bị ám sát như thế nào.

Ông Kim Jong-nam, khoảng ngoài 40 tuổi, là con trai trưởng và từng được xem có khả năng kế nhiệm cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Tuy nhiên, năm 2001, Kim Jong-nam bị "thất sủng" sau khi dùng hộ chiếu giả để sang Nhật. Đây được coi là nguyên nhân khiến Kim Jong-il quyết định trao lại quyền lãnh đạo cho người con trai thứ ba là Kim Jong-un.

Minh Phương
Theo The Star
Nguồn: Dân trí

Tổng thống Donald Trump ngày 2/2 đã lên tiếng bảo vệ sắc lệnh hành pháp, trong đó tạm thời cấm công dân của 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, do chính ông ban hành hồi tuần trước, bất chấp làn sóng phản đối mạnh mẽ của dư luận.

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)

“Thế giới đang ở trong tình trạng hỗn loạn, nhưng chúng ta sẽ giải quyết vấn đề đó, được chứ? Đó là những gì tôi làm, tôi sẽ khắc phục mọi thứ”, Reuters dẫn lời Tổng thống Trump nói trong một sự kiện có sự tham gia của các chính trị gia, các lãnh đạo trung thành và nhiều quan khách hôm 2/2.

Cũng theo ông chủ Nhà Trắng, Mỹ đã thực hiện “những hành động cần thiết” trong những ngày gần đây để bảo vệ quyền tự do tôn giáo đang bị đe dọa tại nước này, đồng thời đề cập tới sắc lệnh cấm nhập cảnh gây tranh cãi do chính ông ban hành hôm 27/1.

Theo sắc lệnh của ông Trump, Mỹ sẽ tạm dừng các chương trình tiếp nhận người tị nạn trong vòng 4 tháng và cấm công dân từ 7 quốc gia gồm Iraq, Syria, Iran, Libya, Somalia, Sudan và Yemen nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 90 ngày, với lý do đảm bảo sự an toàn cho nước Mỹ trước làn sóng khủng bố lan rộng. Ngoài ra, đối với người tị nạn đến từ Syria, lệnh cấm trên được áp dụng vô thời hạn.

Những người chỉ trích sắc lệnh trên đã “tố” Tổng thống Trump vi phạm quy định của hiến pháp về việc bảo đảm tự do tôn giáo vì 7 quốc gia trong dánh sách trên đều là những nước có đông dân cư theo đạo Hồi. Trong khi đó, ông Trump kiên quyết bảo vệ lập trường của mình, cho rằng đây là động thái cần thiết để bảo đảm một quy trình rà soát kỹ lưỡng hơn nữa đối với những cá nhân muốn nhập cảnh vào Mỹ.

“Đất nước chúng ta có hệ thống nhập cư hào phóng nhất thế giới. Nhưng lại có những người lợi dụng sự hào phóng đó để làm tổn hại những giá trị mà chúng ta đã gìn giữ lâu nay”, ông Trump cho biết.

“Có những người tìm cách xâm nhập vào đất nước chúng ta với mục đích lan truyền bạo lực, hoặc gây sức ép lên những người khác dựa trên lòng tin hoặc lối sống của họ”, Tổng thống Trump nói về nguy cơ khủng bố mà Mỹ đang phải đối mặt, đồng thời khẳng định hệ thống nhập cư mới do chính quyền của ông quản lý sẽ đảm bảo rằng bất kỳ ai được phép nhập cảnh vào Mỹ cũng sẽ thấm nhuần các giá trị của quốc gia này, bao gồm cả tự do tôn giáo.

Tỷ phú New York còn cho rằng Mỹ đang bị mọi quốc gia trên thế giới lợi dụng một cách rõ ràng và tuyên bố “điều đó sẽ không xảy ra nữa”. Trước đó, Tổng thống Trump đã bị chỉ trích sau cuộc điện thoại với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull hôm 2/2 khi ông dùng những lời lẽ gay gắt trong lúc cả hai đang bàn về vấn đề liên quan đến người tị nạn. Ông Trump gọi thỏa thuận tị nạn của Mỹ với Australia, đồng minh thân cận của Washington, là "tồi tệ nhất" trước khi dập máy giữa chừng.

Thành Đạt
Tổng hợp

Hồ sơ đời tư của ông Donald Trump ban đầu chỉ nhằm phục vụ cuộc vận động tranh cử tổng thống, nhưng giờ đây lại thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận khi tin tình báo cáo buộc có sự “dàn xếp” giữa ông và phía Nga



Ông Trump giận dữ chỉ trích thông tin tình báo cáo buộc giữa ông và Nga có sự dàn xếp thông tin. (Ảnh: Reuters)

Hồ sơ này được truyền thông Mỹ tiết lộ hôm 10/1 vừa qua cho rằng đội ngũ vận động tranh cử của ông Trump có liên hệ với chính quyền Nga. Cũng theo hồ sơ này, Điện Kremlin nắm các thông tin “nhạy cảm” về đời tư của Tổng thống đắc cử Mỹ. Ông Trump đã ngay lập tức lên án số tài liệu này, cho rằng đây là hồ sơ “bẩn” không đúng sự thật.

Tại Mỹ, có một số công ty được thành lập hoạt động trong lĩnh vực điều tra và tìm kiếm thông tin. Những người làm việc trong các công ty này chỉ yếu là các cựu nhà báo và nhân viên an ninh, chuyên tìm kiếm, thu thập thông tin về các chính trị gia. Những công ty này không biết chính xác ai là người thuê họ mà nhận yêu cầu từ một công ty luật, đóng vai trò đại diện cho khách hàng.

Một đối thủ trong đảng Cộng hòa đã yêu cầu tiến hành điều tra các thông tin về ông Donald Trump khi đang diễn ra cuộc đua giành quyền trở thành ứng cử viên chính thức đại diện đảng ra tranh cử tổng thống. Công ty điều tra này sau đó đã thuê một cựu nhân viên phản gián ở châu Âu, người có kinh nghiệm trong các vấn đề với Nga, tiến hành điều tra.

Khi việc điều tra thu thập thông tin mới bắt đầu thì “khách hàng” thuộc đảng Cộng hòa kia đã bị loại. Thay vào đó, một “khách hàng” khác thuộc đảng Dân chủ đã yêu cầu có được các thông tin về ông Trump. Việc điều tra này thường được những người có tiềm lực tài chính chi trả.

Đến tháng 7/2016, người điều tra đã thu thập được một lượng tài liệu đáng kể về ông Trump, dựa trên những nguồn của Nga. Người này đã gửi các báo cáo cho “khách hàng” và biết rằng người đó sẽ phải chịu trách nhiệm về nội dung của những thông tin có sức ảnh hưởng lớn nếu được xác nhận này.

Người này sau đó đã gửi bộ hồ sơ thông tin cho Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), cho rằng cơ quan này mới có đúng chức năng điều tra. Vài tháng sau đó, FBI vẫn không đưa ra thêm thông tin gì về hồ sơ này. Trong thời gian này, FBI đang bận rộn với vụ bê bối thư điện tử của ứng cử viên đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Người điều tra trước đó cho rằng có sự che đậy trong quá trình điều tra của FBI khi cơ quan này liên tục từ chối đưa ra bình luận về vụ việc.

Tới giữa tháng 11/2016, những tài liệu về ông Trump đã quay trở về Washington nhưng bằng một con đường khác. Tại một sự kiện quốc tế trong tháng 11, Thượng nghị sĩ John McCain tình cờ biết đến một cựu nhân viên ngoại giao phương Tây, người đã từng xem bộ hồ sơ về ông Trump. Ông McCain đã cử một nhân viên mật tiếp cận nguồn tin này và tìm hiểu thêm thông tin.

Sau một quá trình tìm hiểu thông tin, nhân viên mật này đã cung cấp cho ông John McCain những tài liệu về ông Donald Trump, và nói rằng rất khó, thậm chí là không thể kiểm chứng tính chính xác của các thông tin này nếu không mở một cuộc điều tra đúng nghĩa.

Tuy nhiên đến tháng 12/2016, ông McCain vẫn cung cấp số tài liệu này cho FBI. Hôm 11/1 vừa qua, chính ông McCain đã thừa nhận làm điều này “sau khi kiểm tra nội dung của bộ hồ sơ nhưng không thể đánh giá được tính xác thực”.

Hiện vẫn chưa rõ vì sao FBI lại đưa những thông tin về đời tư của ông Trump vào báo cáo liên quan tới cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ. Có ý kiến cho rằng động thái này nhằm chứng minh FBI không có tình che giấu hay phớt lờ việc điều tra các thông tin về ông Trump.

Nhật Minh
Theo The Guardian

Dân trí Lực lượng cứu hộ Venezuela đang nỗ lực tìm kiếm một trực thăng quân sự chở 13 người mất tích ở khu vực rừng Amazon từ cuối tuần trước.

Một trực thăng quân sự của Venezuela (Ảnh: VOA)
Theo AP, Bộ trưởng Truyền thông Venezuela Ernesto Villegas ngày 3/1 cho biết trực thăng quân sự trên lẽ ra phải hạ cánh xuống khu vực La Esmeralda vào ngày 30/12/2016, nhưng máy bay này đã mất tích một cách bí ẩn và hiện vẫn chưa có thông tin gì.
Đây là máy bay do Nga sản xuất và khu vực dự kiến hạ cánh của trực thăng này nằm gần rừng Amazon. Ông Villegas không tiết lộ thông tin về số người có mặt trên máy bay nhưng truyền thông địa phương cho biết có khoảng 13 người trên khoang vào thời điểm máy bay mất tích, trong đó có 5 dân thường.
Bộ trưởng Villegas cho biết hiện 8 máy bay quân sự đã được triển khai tới khu vực rừng Amazon trong những ngày vừa qua. Công tác tìm kiếm sẽ được tiếp tục cho đến khi xác định được vị trí của trực thăng mất tích.
Thành Đạt
Tổng hợp

Dân trí Trang mạng National Interest của Mỹ ngày 2/1 đưa tin Hải quân nước này mới đây đã phóng thử phiên bản cải tiến của tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và trang bị trên tàu ngầm Trident II D5.
 >> Mỹ rút toàn bộ tàu sân bay trên thế giới về nước

Tên lửa Trident II D5. (Ảnh: USNavy)
Theo National Interest, tên lửa Trident II D5 phiên bản cải tiến được phóng thử từ một căn cứ của Hải quân Mỹ tại Florida cách đây vài tháng. Đây là lần phóng thử thành công thứ 161 của mẫu tên lửa Trident II kể từ khi được giới thiệu vào năm 1989.
Trong khi đó, tập đoàn Lockheed Martin ra thông báo cho biết phiên bản cải tiến của tên lửa Trident II được thử nghiệm trên bao gồm các thiết bị chuyên dụng về phạm vi an toàn, hệ thống theo dõi và công cụ đo lường về hành trình bay.
Các số liệu của Hải quân Mỹ cho biết tên lửa Trident II có tầm bắn khoảng 11.000km và có thể nhắm tới nhiều mục tiêu. Tên lửa Trident II được thiết kế với ba tầng động cơ đẩy, có tốc độ tiếp cận mục tiêu ở mức Mach 24, trang bị công nghệ dẫn đường quán tính MK6 có thể tiếp nhận tín hiệu định vị vệ tinh GPS trong hành trình bay nên đạt độ chính xác gần như tuyệt đối.
Mẫu tên lửa này đang được trang bị cho tàu ngầm lớp Ohio của Hải quân Mỹ và tàu ngầm lớp Vanguard của Hải quân Hoàng gia Anh. Đây là mẫu tên lửa chiến thuật được sử dụng trong trường hợp phản kích bên tiến hành tấn công hạt nhân.
Tên lửa Trident II D5, có thể mang 3 loại đầu đạn khác nhau là W76/Mk-4, W76-1/Mk-4A và W88/Mk-5, lần đầu tiên được phóng thử vào những năm 1990. Đây là phiên bản nâng cấp của tên lửa liên lục địa Trident I.
Theo kế hoạch, các mẫu Trident II D5 sẽ được sử dụng tới năm 2027 trước khi "về hưu" song hiện Mỹ vẫn đang triển khai các chương trình nâng cấp mẫu tên lửa này.
Một số nguồn tin cho biết Hải quân Mỹ đang hướng tới việc gia hạn thêm 25 năm sử dụng mẫu tên lửa này, qua đó tránh để Trident II D5 trở nên lỗi thời và vẫn đủ khả năng "răn đe" trong tương lai. Hiện các kỹ sư đang nghiên cứu khả năng hiện đại hoá hệ thống dẫn đường cho tên lửa bằng cách thay thế hai thành phần có nguy cơ trở nên lỗi thời là đơn vị đo quán tính và hệ thống thiết bị điện tử.
Ngọc Anh
Tổng hợp

Dân trí Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 và bắt đầu thi hành những chính sách mới. Tuy nhiên, những kế hoạch mà ông Trump dự định áp dụng trong chính phủ mới có thể sẽ vấp phải sự phản đối của những thành viên trong chính đảng Cộng hòa của ông.
 >> Ông Trump sắp tiết lộ điều chưa ai biết về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử
 >> Nhiều người Mỹ không tin ông Trump có thể làm tròn vai trò của tổng thống
 >> Ông Trump sẽ hủy bỏ một số quyết sách của chính quyền Obama

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (Ảnh: Business Insider)
Thượng nghị sĩ John McCain
Thượng nghị sĩ John McCain là một trong những người ủng hộ ông Trump khi ông mới chính thức trở thành ứng cử viên đại diện của đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, sau khi những đoạn băng tố cáo ông Trump có những bình luận khiếm nhã về phụ nữ bị tiết lộ, thượng nghị sĩ McCain đã thay đổi quan điểm và liên tục chỉ trích ông Trump, đặc biệt là những phát biểu của ông Trump về các vấn đề ngoại giao.
Liên quan đến căng thẳng mới đây nhất giữa Mỹ và Nga. Trong khi ông Trump cho rằng việc Washington cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ là “nực cười” thì thượng nghị sĩ John McCain lại kêu gọi Quốc hội thành lập một ủy ban điều tra vụ việc. Ông John McCain cũng phản đối việc tân tổng thống Mỹ có ý định áp dụng lại hình thức tra tấn dội nước vào đầu phạm nhân.
Thượng nghị sĩ Rand Paul
Giống ông John McCain, thượng nghị sĩ Rand Paul cũng chuyển từ ủng hộ sang công khai phản đối những phát biểu và quyết định của ông Trump. Là một thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Paul chỉ trích sự lựa chọn ngoại trưởng mới của ông Trump.
Hồi tháng trước, ông Trump đã chọn Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí Exxon Mobile, ông Rex Tillerson, làm ngoại trưởng trong chính quyền của mình. Ông Tillerson được biết đến là một doanh nhân có mối quan hệ làm ăn rất thân thiết với Nga. Về vấn đề này, ông Rand Paul cho biết ông có “một cái nhìn cởi mở”, nhưng không nói rằng ông sẽ ủng hộ quyết định của ông Trump.
Thượng nghị sĩ Rand Paul là người theo chủ nghĩa tự do và điều này sẽ khiến ông có những quan điểm xung đột với tân tổng thống trong nhiều vấn đề như nhập cư, hành pháp và các rào cản thương mại.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan
(Từ trái sang phải) Tổng thống đắc cử Donald Trump, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và thượng nghị sĩ John Mccain (Ảnh: whorunsgov)
Những ưu tiên trong chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump và của Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan trái ngược nhau. Trong khi ông Ryan từ lâu vẫn theo đuổi việc thay đổi chương trình chăm sóc sức khỏe Medicare thì ông Trum lại cam kết bảo vệ chương trình này.
Sự xung đột trong chính sách giữa ông Trump và Chủ tịch Hạ viện Ryan chỉ còn là vấn đề thời gian. Và khi đó ông Ryan sẽ khiến những chính sách của tân tổng thống gặp nhiều khó khăn.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã không đứng về phía ông Trump ngay từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử. Ông cho rằng ông Trump không đủ khả năng để giải quyết những thách thức mà nước Mỹ đang phải đối mặt và ông Trump sẽ “hủy hoại” đảng Cộng hòa.
Cũng giống thượng nghị sĩ John McCain, ông Graham chỉ trích ông Trump vì những quan điểm liên quan những vấn đề đối ngoại. Hồi tuần trước, chính ông Graham đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Barack Obama trừng phạt Tổng thống Nga Vladimir Putin vì cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.
Thượng nghị sĩ Ben Sasse
Thượng nghị sĩ Ben Sasse là một trong những thành viên Cộng hòa phản đối ông Trump nhiều nhất trong suốt chiến dịch tranh cử. Khi ông Trump đưa ra lựa chọn cho vị trí ngoại trưởng, ông Ben Sasse đã bày tỏ sự hoài nghi rằng liệu mối quan hệ thân thiết giữa ông Tillerson và Nga có thực sự phù hợp để ông giữ vị trí này hay không.
Ông Ben Sasse cũng có những ưu tiên về chính sách hoàn toàn khác biệt với chủ nhân mới của Nhà Trắng về nhiều vấn đề.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio
Thượng nghị sĩ Marco Rubio đặc biệt phản đối ông Trump về các vấn đề ngoại giao, nhất là quan điểm về Nga. Ông Rubio là một trong những người đầu tiên tỏ ra hoài nghi việc Tổng thống đắc cử lựa chọn ông Tillerson làm ngoại trưởng mới. Ông Rubio cho rằng: “Một người bạn của ông Vladimir Putin không phải sự lựa chọn tôi kỳ vọng cho chức ngoại trưởng Mỹ”.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio cũng là một thành viên của Ủy ban đối ngoại thượng viện và sẽ cùng các thành viên khác bỏ phiếu quyết định ông Tillerson có trở thành ngoại trưởng mới của nước Mỹ hay không.
Thống đốc bang Ohio John Kasich
Ngay từ khi ông Trump vận động tranh cử, Thống đốc bang Ohio John Kasich đã công khai bày tỏ sự phản đối đối với ứng cử viên của đảng Cộng hòa. Cánh tay phải của ông Kasick - chiến lược gia John Weaaver - cũng liên tục công khai chỉ trích ông Trump trên mạng xã hội Twitter.
Mặc dù không phải một nghị sĩ song ông John Kasich vẫn có thể ngáng đường ông Trump trong phạm vi của mình.
Nhật Minh
Theo CBS News

Al Bab nghĩa là "cửa" nhưng không phải là cửa đến Thiên đường mà cửa đến bãi lầy Syria.
 >> Thổ Nhĩ Kỳ và FSA có thể giải phóng Al-Bab trong vài ngày tới
 >> Nga – Thổ hợp sức ném bom xuống Al-Bab, diệt IS

Al-Bab có nghĩa là "cửa" trong tiếng Ả Rập và là tên của một thị trấn nhỏ ở tỉnh Aleppo. Al-Bab nằm ở phần phía bắc của tỉnh Aleppo (cách 36km về phía ĐB Aleppo, khoảng 26km về phía Nam biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ) và hiện đang dưới sự kiểm soát ISIS.
Dân số 63.069 vào năm 2004, chủ yếu là người Sunni.
Thị trấn chiến lược quan trọng
1/. Với IS. Tầm quan trọng chiến lược của nó tăng lên sau khi lực lượng người Kurd và SDF mất Manbij. Lúc này Al-Bab đã trở thành một nút hậu cần quan trọng của IS giúp chiến binh thánh chiến chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Syria và trở lại, và cũng là nơi xuất phát tuyến “đường ống trên bánh xe”, nguồn thu chính của IS.
2/. Người Kurd muốn có được Al-Bab để lắp ráp lại các Shahba - bang phân mảnh (với một trung tâm hành chính của Tal Rifaat và Manbij), củng cố các khu vực họ kiểm soát và có điều kiện để tuyên bố một nước độc lập hoặc có quyền tự chủ rộng hơn trong danh nghĩa Liên bang.
3/ Thổ Nhĩ Kỳ đang triển khai hoạt động Euphrates Shield (chiến dịch Lá chắn Euphrates), với họ có Manbij chỉ mới là bước đầu ngăn chặn YPG. Có được Al-Bab, Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát hành lang giao thông ở miền bắc Syria, tạo ra một vùng đệm ở miền Bắc Syria dưới sự kiểm soát của Turkoman thiểu số và sẽ “nắm được tóc” của IS phục vụ cho âm mưu chính trị tiếp theo.
Erdogan hoàn toàn nhận thức được rằng bất cứ ai kiểm soát phía Bắc Syria sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ Trung Đông.
Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân ở miền bắc Syria
Trong khi đó, đương nhiên, người ta không thể quên Mỹ và các đồng minh của họ. Ý đồ của Thổ Nhĩ Kỳ tại Al-Bab đã vượt qua vạch đỏ mà Mỹ đã vạch ra khi đụng chạm đến lợi ích Mỹ.
Giao chiến bắt đầu!
Sau trận chiến Aleppo, các trận đánh quan trọng nhất, mang nặng mùi yếu tố chính trị nhất hiện nay là giữa người Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd và IS.
Sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, được Mỹ hỗ trợ và IS “nương tay”, đã chiếm Jarablus dễ dàng. Nếu như mục đích của chiến dịch Lá chắn Euphrtes là ngăn chặn YPG vượt sang phía Tây sông Euphrates, kết nối các vùng đất của họ ở miền Bắc Syria thì Thổ Nhĩ Kỳ chỉ cần có Jarablus là đủ, mục tiêu chiến dịch đã cơ bản giải quyết, nhưng tham vọng của Ankara không chỉ vậy.
Trong khi Liên minh Nga-Syria đang tập trung dứt diểm Aleppo thì Thổ Nhĩ Kỳ và hơn 400 chiến binh FSA tấn công Al-Bab, tức là tấn công IS tại đây. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và FSA cố gắng để bao quanh thị trấn sau đó đột kích vào hướng Bắc Al-Bab.
Cả hai bên đã thông báo về những mất mát lớn của nhau: Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng quân đội của họ đã giết hàng trăm IS, trong khi IS cho biết rằng 10 xe tăng Leopard của Thổ Nhĩ Kỳ bị đốt cháy và ngày 22/12, Ankara thừa nhận 14 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị chết.
Ngày 25/12 Thổ Nhĩ Kỳ và FSA đột kích vào phía Tây Al-Bab. Lần này họ đã tuyên bố kiểm soát được bệnh viện Al-Bab, Al-Farouq và vùng cao Jebel Al-Aqil. Tuy nhiên, IS phản công, quyết liệt, dũng mãnh, vây chặt họ tại những khu vực này… buộc VKS Nga can thiệp để giải vây.
Như vậy chiến sự Al-Bab nổi lên 3 điều đáng quan tâm:
Một là, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và FSA hiện tại trong “lá chắn Euphrates” không đủ sức để đánh bật IS ra khỏi Al-Bab. Ankara cần phải tăng cường lực lượng cho chiến dịch mới có thể giành chiến thắng. FSA chỉ là bình phong của chiến dịch, FSA không phải là đối thủ của IS, YPG.
Hai là, có dấu hiệu YPG và IS ngấm ngầm cùng đáp trả quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hoặc có thể là người Kurd và IS chỉ đơn giản là cố gắng khai thác triệt để các xung đột ba chiều. Tuy nhiên, hầu như không có giao tranh giữa người Kurd và IS trên các hướng tiếp cận Al Bab.
YPG phát triển có hiệu quả trên hai cánh tấn công của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ. Hướng Đông Bắc Al Bab, các vụ đụng độ tại Qabasin và tại Nam Azaz giao tranh xảy ra ở Kafr Kashir. Đến ngày 22/12 tình hình xung quanh Al Bab đã thay đổi: YPG đã phát động một cuộc tấn công vào các FSA phục hồi Qudayran và Qabasin. Hướng Tây Bắc, YPG tái chiếm Sheikh Nasir từ FSA.
Vùng đệm an ninh mà Ankara mong muốn?
Trong khi đó, thay vì hỗ trợ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ tấn công IS như ở Jarablus hay ép buộc YPG ở Manbij thì Mỹ “án binh bất động”.
Mỹ hay ai cũng vậy thôi, không muốn Thổ Nhĩ Kỳ thu giữ Al-Bab là điều dễ hiểu. Erdogan đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ đi ra ngoài quỹ đạo của Mỹ-phương Tây, muốn đảo chính lật đổ còn không được thì tại sao lại giúp Erdogan tấn công lực lượng mình nuôi dưỡng, hậu thuẫn là YPG và… IS.
Đó là lý do mà ngoài lý do bị IS đánh đau ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi khùng tố cáo Mỹ hỗ trợ cho IS.
Ba là, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga chính thức hợp tác toàn diện (quân sự, chính trị) với nhau trên chiến trường Syria. Lần đầu tiên VKS Nga đã không kích tại Al-Bab hỗ trợ cho lực lượng mặt đất là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công IS.
Đây có vẻ như dấu hiệu hình thành một liên minh quân sự chống IS mới, là một bước ngoặt lớn trong giải pháp chính trị cho Syria.
Tại sao Al-Bab?
Nhìn trên bản đồ ta nhận thấy xuất hiện một khu vực hình thang có 4 điểm: Azaz, Jarablus, Manbij, Al Bab. Một khu vực khiến mọi người rất chú ý.
Ông Mevlut Chavushoglu, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ chính thức tuyên bố rằng “Euphrates Shield sẽ tiến hành tất cả các cách để có Al Bab, và rằng khu vực này cần được khai báo một khu vực an ninh để mọi người có thể bắt đầu trở lại”.
Vậy là đã rõ, chính Al Bab, đã khiến Ankara đột ngột thay đổi chính sách Syria của họ. Ankara phải công nhận chính quyền hợp pháp Assad. Ankara đã cùng Nga, Iran đã có một thỏa thuận giải quyết tình hình Syria…
Phải chăng, VKS Nga mấy ngày nay, sau lần giải cứu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã không ngừng không kích các khu vực xung quanh Al Bab hỗ trợ cho Ankara nhằm giúp họ đánh bật IS để chiếm giữ Al Bab tạo cho Thổ Nhĩ Kỳ một “vùng đệm an toàn” như họ mong đợi?
Đúng thế, nhưng đây là một nước cờ độc. Nga-Syria “dành sân chơi riêng” cho Thổ Nhĩ Kỳ, YPG, IS sát phạt nhau tại đây. Al Bab là “cửa”, nhưng không phải là cửa vào Thiên đường mà là cửa vào bãi lầy Syria.
Kết thúc cuộc chiến như thế nào, lúc nào là một nghệ thuật. Thổ Nhĩ Kỳ cần “vùng đệm” thì cứ việc, Nga-Syria cần thứ khác.
Theo Lê Ngọc Thống
Đất Việt

Dân trí Hải quân Trung Quốc cuối ngày 2/1 cho biết, tàu sân bay duy nhất của nước này đã tiến hành tập trận ở Biển Đông, song không nêu rõ địa điểm tập trận cụ thể.
 >> Tình báo Mỹ nghi Trung Quốc sắp đưa tên lửa ra Biển Đông
 >> Tàu sân bay Trung Quốc đi qua phía nam Đài Loan
 >> Nhật Bản giám sát chặt chẽ tàu sân bay Trung Quốc đi qua biển Hoa Đông

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. (Ảnh: USNI)
Hãng tin Reuters dẫn thông tin trên trang blog của Hải quân Trung Quốc ngày 2/1 cho biết, hôm qua các máy bay chiến đấu J-15 của nước này đã diễn tập xuất kích từ tàu sân bay Liêu Ninh - tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc - trong “điều kiện biển phức tạp” ở Biển Đông. Tuy nhiên, thông báo không nêu rõ vị trí tập trận cụ thể.
Xác nhận trên được đưa ra vài ngày sau khi Đài Loan nói rằng tàu sân bay cùng với một số tàu chiến của Trung Quốc đi qua vùng biển ở phía nam Đài Loan và đi về hướng tây nam. Động thái này cũng khiến Nhật Bản tăng cường an ninh ở vùng biển xung quanh các đảo Miyako và Okinawa.
Tháng trước, Trung Quốc từng tiến hành tập trận bắn đạn thật với sự tham gia của tàu sân bay Liêu Ninh. Hôm 25/12, Trung Quốc tuyên bố sẽ tập trận thường niên ở tây Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan leo thang sau cuộc điện đàm gây tranh cãi của lãnh đạo Đài Loan với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Minh Phương
Tổng hợp

Dân trí Cảnh sát Israel ngày 2/1 đã thẩm vấn Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong 3 giờ đồng hồ để làm rõ cáo buộc tham nhũng liên quan đến việc nhà lãnh đạo này nhận quà từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.


Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, thông báo do cảnh sát Israel công bố hôm qua 2/1 cho biết “các nhà điều tra đã thẩm vấn Thủ tướng Benjamin Netanyahu dựa trên sự nghi vấn về việc tiếp nhận quà biếu”, song không nêu chi tiết về nội dung cuộc thẩm vấn.
BBC đưa tin các nhà điều tra đã thẩm vấn ông Netanyahu tại dinh thự ở Jerusalem trong 3 giờ đồng hồ. Thủ tướng Israel bị cáo buộc nhận “những món quà không chính đáng” trị giá hàng nghìn USD từ các doanh nhân trong nước và quốc tế, theo Jerusalem Post.
Cuộc thẩm vấn trên nhận được sự ủy quyền của Tổng chưởng lý Israel Avichai Mandelblit - người đã ra quyết định nâng cấp độ điều tra sau khi kết quả từ cuộc điều tra sơ bộ trước đó cho thấy đã có đủ bằng chứng để khởi tố điều tra hình sự.
Về phần mình, Thủ tướng Netanyahu đã bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào ông ngay trước khi cuộc thẩm vấn diễn ra. “Chúng ta đã nghe tất cả các tin tức trên truyền thông. Chúng ta đã nghe và chứng kiến bầu không khí vui vẻ trên truyền hình cũng như ở hành lang của phe đối lập. Tôi muốn nói với họ rằng đừng vội ăn mừng. Đừng vội vàng. Các ông cứ việc thổi phồng sự việc còn chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục lãnh đạo Israel”, ông Netanyahu nói.
Trước đó, những người phản đối Thủ tướng Netanyahu đã kêu gọi mở cuộc điều tra đối với nhà lãnh đạo này sau một loạt vụ bê bối xảy ra trong những tháng gần đây mặc dù ông Netanyahu vẫn chưa bị kết tội gì.
Hồi tháng trước, một cuộc điều tra đã được tiến hành sau thương vụ Israel mua bán các tàu ngầm mới từ Đức và luật sư của ông Netanyahu được cho là đại diện của công ty bên bán. Hồi đầu năm, Arnaud Mimran, một tội phạm lừa đảo, tiết lộ việc từng rót hàng trăm nghìn euro cho chiến dịch tranh cử của ông Netanyahu vào năm 2009 nhưng thủ tướng Israel đã phủ nhận thông tin này. Thủ tướng Netanyahu cũng bị cáo buộc lãng phí ngân sách, trong đó có khoản tiền trị giá 127.000 USD được dùng để thuê phòng ngủ riêng trong một chuyến bay tới Anh.
Thành Đạt
Tổng hợp

Dân trí Trong thông điệp đầu năm mới 2017, Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama đã có những tổng kết về thành tựu mà chính quyền của ông đã đạt được trong suốt 8 năm qua.
 >> Ông Trump sẽ hủy bỏ một số quyết sách của chính quyền Obama
 >> Tổng thống Obama: Tôi sẽ chưa rời đi vào ngày 20/1
 >> Tổng thống Obama vẫn là người đàn ông được ngưỡng mộ nhất nước Mỹ

Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama. (Ảnh: AFP)
Trong một bình luận trên Twitter hôm 1/1, Tổng thống Obama viết: “Đặc ân lớn nhất của đời tôi là được làm Tổng thống của các bạn. Tôi mong muốn được đứng cạnh các bạn với tư cách một công dân. Chúc mừng năm mới tất cả mọi người. Khi chúng ta hướng tới tương lai, tôi muốn dành chút ít thời gian để nhìn lại những tiến bộ đáng kể mà chính các bạn đã giúp biến chúng thành hiện thực”. Bình luận đầu tiên này của ông đã thu hút hơn 42.000 lượt bình luận phản hồi của người dùng Twitter.
Tổng thống Obama nêu thành tựu về tăng trưởng việc làm trong thời gian ông đương chức. (Ảnh: Twitter)
Tổng thống Obama cho biết, trong vòng 81 tháng qua, kinh tế Mỹ đã tạo thêm 15,6 triệu việc làm trong lĩnh vực tư nhân. “Đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong 80 năm qua. Chúng ta vẫn có chuỗi tăng trưởng việc làm dài nhất trong lịch sử”, ông Obama nhấn mạnh.
Ông cũng lên tiếng bảo vệ thành quả của Đạo luật chăm sóc sức khỏe vừa túi tiền (Obamacare), chương trình mà Tổng thống đắc cử Donald Trump và một số lãnh đạo đảng Cộng hòa cảnh báo sẽ bãi bỏ trong thời gian tới. Tổng thống Obama cho rằng, nhờ chương trình này, số người Mỹ không có bảo hiểm y tế đã giảm đáng kể từ khi ông nhậm chức. “Gần như tất cả người Mỹ hiện giờ đều có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe vừa túi tiền và an ninh tài chính”, ông Obama viết.
Đạo luật Obamacare được cho là giúp giảm tỷ lệ người Mỹ không có bảo hiểm y tế từ 16% xuống còn 8,9%. (Ảnh: Twitter)
Người đứng đầu Nhà Trắng cũng nói rằng, Mỹ đã giảm phụ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài khi ông làm tổng thống, trong khi đó Mỹ chuyển hướng sang năng lượng sạch vì môi trường. “Chúng ta đã hành động trên quy mô toàn cầu để cứu lấy hành tinh”, ông Obama bình luận. Ông cũng cho rằng, Mỹ tiếp tục giữ vai trò đầu tàu của thế giới, phối hợp với các nước trên thế giới để giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Trên đây có thể coi là một vài trong số những chia sẻ cuối cùng của Tổng thống Obama trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 20/1 tới. Và trong những tuần cuối cùng này, ông Obama được cho là sẽ nhóm họp với các nghị sĩ Dân chủ để đưa ra một chiến lược chung nhằm cứu vãn Obamacare sau khi ông Trump nhậm chức.
Nhà Trắng hôm qua 2/1 cũng xác nhận, Tổng thống Obama sẽ có bài phát biểu chia tay vào ngày 10/1 tới tại thành phố quê nhà ở Chicago trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Đây có thể là dịp cuối cùng để ông lên tiếng bảo vệ những di sản của mình trong suốt 8 năm qua.
Minh Phương
Theo CBS

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gần đây nói rằng, ông biết một số điều mà người khác không biết về nghi vấn Nga tấn công mạng để can thiệp vào cuộc bầu cử. Ông hứa sẽ tiết lộ thông tin này vào hôm nay 3/1 hoặc ngày mai.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP)
“Tôi biết những điều mà người khác không biết”
New York Times dẫn phát biểu của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trước phóng viên bên ngoài khu nghỉ dưỡng Palm Beach hôm 31/12/2016 nói: “Tôi chỉ muốn họ chắc chắn bởi đó là một cáo buộc vô cùng nghiêm trọng… Tôi cho rằng sẽ là không công bằng nếu họ không được biết”.
Ông Trump cho biết thêm: “Tôi biết rất nhiều về tấn công mạng. Tấn công mạng vốn là điều rất khó để phát hiện. Và tôi cũng biết những thứ mà người khác không biết”. Khi được đề nghị hé lộ về những điều mà ông biết nhưng người khác không biết này, Tổng thống đắc cử Trump nói: “Các bạn sẽ được biết vào thứ Ba (3/1) hoặc thứ Tư (4/1)”.
Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn của Tổng thống đắc cử Trump, ông Sean Spicer, chia sẻ với đài Fox News rằng không có bằng chứng nào cho thấy Nga tấn công mạng để chi phối kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. "Việc vội vã đi đến kết luận trước khi có một báo cáo chính thức là vô trách nhiệm", ông Spicer nói thêm.
Bình luận này được đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao và đóng cửa 2 cơ sở nghi là nhằm phục vụ cho mục đích tình báo của Nga. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ, dự định sẽ tổ chức một phiên điều trần về các mối đe dọa tấn công mạng từ bên ngoài vào ngày 5/1 tới.
Dùng thư tay thay vì máy tính
Trong bài phát biểu, liên quan đến bảo mật thông tin, ông Trump khuyên mọi người nên tránh dùng máy tính, thay vào đó dùng thư tay để trao đổi thông tin quan trọng.
“Nếu bạn có một vấn đề thực sự quan trọng, hãy viết nó ra và chuyển thông tin qua đường bưu điện, một cách làm truyền thống, bởi tôi muốn nói với tất cả các bạn rằng, chẳng có máy tính nào an toàn cả. Tôi có một cậu con trai 10 tuổi, nó có thể làm bất cứ thứ gì với một chiếc máy tính. Nếu bạn muốn điều gì đó thực sự không bị theo dõi, hãy viết thư tay và gửi cho người đưa thư”, ông Trump nói.
Về phần mình, những thông điệp mà ông muốn truyền tải kể từ khi tranh cử và cho đến tận bây giờ khi đã đắc cử tổng thống, ông thường sử dụng mạng xã hội Twitter. Thực tế, chỉ vài giờ sau những khuyến cáo trên, phát ngôn viên của ông Trump khẳng định rằng, ông sẽ tiếp tục sử dụng tài khoản Twitter để đưa ra những thông báo chính sách quan trọng sau khi ông nhậm chức vào cuối tháng này.
Minh Phương
Theo New York Times, Independent

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có kế hoạch hủy bỏ hàng loạt các quyết sách mà Chính quyền Tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã đưa ra trong 2 nhiệm kỳ vừa qua ngay khi tỷ phú này nhậm chức vào ngày 20/1 tới.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Barack Obama. (Nguồn: Business Insider)
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Barack Obama. (Nguồn: Business Insider)
Trao đổi trong chương trình This Week của hãng tin ABC phát sóng ngày 1/1, ông Sean Spicer, Giám đốc truyền thông của ông Trump và là Thư ký báo chí Nhà Trắng sắp tới, cho biết ngay sau khi nhậm chức, doanh nhân - chính khách 70 tuổi này sẽ "lập tức hủy bỏ rất nhiều quy định và hành động mà chính quyền hiện tại đã đưa ra trong 8 năm qua, gây tổn hại tới cả tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm."
Ông Spicer cũng xác nhận rằng vị chủ nhân Nhà Trắng tương lai sẽ xây dựng một lệnh cấm 5 năm đối với các quan chức cấp cao rời khỏi chính phủ để trở thành các nhà vận động hành lang, và một lệnh cấm trọn đời đối với "bất kỳ cá nhân nào muốn phục vụ cho một chính quyền nước ngoài."
Liên quan đến các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga mới đây, trong đó có việc trục xuất 35 quan chức ngoại giao Nga, ông Spicer nhận định động thái này của Tổng thống đương nhiệm Obama có thể là "sự trừng phạt chính trị" và cho rằng đây có thể là một quyết định "không phù hợp."
Trước đó một ngày, trong bữa tiệc đêm Giao thừa tại tư dinh ở Florida, Tổng thống đắc cử Trump tiếp tục bày tỏ sự ngờ vực về kết luận của tình báo Mỹ rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11 thông qua hoạt động tấn công mạng. Vị chủ nhân Nhà Trắng tương lai cho biết muốn các nguồn tin tình báo của Mỹ phải thật chắc chắn bởi "đó là một cáo buộc khá nghiêm trọng," đồng thời cho rằng sẽ "không công bằng" khi đưa ra các cáo buộc với Moskva nếu không có bất kỳ cơ sở nào.
Hồi tuần trước, Chính phủ Mỹ đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt về ngoại giao và kinh tế nhằm vào Nga, với cáo buộc Moskva đứng sạu các chiến dịch tấn công mạng nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, cũng như những hành động mà Washington cho là “sách nhiễu” đối với vào các nhà ngoại giao Mỹ tại Nga.
Phía Nga ngay lập tức tuyên bố có các biện pháp đáp trả thích đáng các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào nước này, đồng thời cáo buộc Washington đang mưu toan hủy hoại quan hệ song phương thông qua việc đưa ra những cáo buộc "vô căn cứ" rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tại Mỹ.
Trong diễn biến liên quan, trong ngày 1/1, tổng cộng 96 công dân Nga, bao gồm 35 nhà ngoại giao nằm trong danh sách trừng phạt mới nhất của Chính quyền Tổng thống Obama, cùng gia đình đã đáp chuyến bay về nước./.
Theo (TTXVN/VIETNAM+)
Được tạo bởi Blogger.