Hiển thị các bài đăng có nhãn Phim ảnh. Hiển thị tất cả bài đăng

Bộ phim Thăng Long đệ nhất kiếm của cố đạo diễn Lê Mộng Hoàng đánh dấu sự tái hợp của cặp đôi lãng tử - ngọc nữ Lý Hùng - Diễm Hương sau Phạm Công - Cúc Hoa. Hình ảnh Lý Hùng cương trực đứng bên cạnh Diễm Hương là điểm nhấn khó phai trong lòng khán giả.


Trước sự ra đi của đạo diễn Lê Mộng Hoàng, công chúng yêu mến ông bồi hồi nhớ lại thước phim cổ trang Việt Nam nổi tiếng một thời - Thăng Long đệ nhất kiếm. Với phim dã sử Thăng Long đệ nhất kiếm (năm 1990), đạo diễn Lê Mộng Hoàng đã mời dàn diễn viên nổi tiếng bao gồm: tài tử điện ảnh Lý Hùng, Diễm Hương, Mộng Vân… tham gia diễn xuất.

Lý Hùng sinh năm 1969, là nam diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Việt Nam ở thập niên 1990. Thời đỉnh cao của phong độ và sự nghiệp, Lý Hùng được biết đến như một biểu tượng của vẻ đẹp hào hoa, lãng tử.

Từ 1991-1999, Lý Hùng liên tiếp được bình chọn là Nam diễn viên khả ái và Nam diễn viên được yêu thích nhất do báo Thanh Niên và Người Lao Động bình chọn.

Thăng Long đệ nhất kiếm đánh dấu sự tái hợp của Lý Hùng - Diễm Hương sau khi nổi tiếng từ phim Phạm Công - Cúc Hoa. Sự cương trực mạnh mẽ của Lý Hùng khi đứng bên cạnh Diễm Hương xinh đẹp dịu dàng là điểm nhấn khó phai trong lòng khán giả yêu mến.
Phim đánh dấu sự tái hợp của Lý Hùng - Diễm Hương sau khi nổi tiếng từ phim Phạm Công - Cúc Hoa.

Trong phim Lý Hùng vào vai tráng sĩ hào kiệt Nguyễn Thế Trung, còn Diễm Hương vào vai Thùy Lan. Hai người trải qua mối tình nhiều sóng gió trong thời kỳ loạn lạc, cuối cùng sự chung thủy chờ đợi của Thùy Lan đã được đền đáp với một kết thúc có hậu.
Lý Hùng vào vai tráng sĩ hào kiệt Nguyễn Thế Trung.

Trong phim, Lý Hùng được dịp khoe những màn múa võ đẹp mắt, cảnh giữa vòng vây của quân địch, sau hồi tả xung hữu đột, đạo diễn cho anh kết thúc trận đấu bằng một cú đá vòng cầu ngay quai hàm đối phương khiến đối thủ bị đá văng lên, rớt xuống bàn, bể tan nát.
2 cha con nghệ sĩ Lý Huỳnh - Lý Hùng trong phim Thăng Long đệ nhất kiếm.

Sau này, Lý Hùng có lần chia sẻ trên báo chí rằng, nếu như ở ba cú đá đầu tiên, Lý Hùng và anh chàng diễn viên quân sĩ đều nhát chân, nhát mặt nên cú đá cứ nằm tít xa ở khung hình, đạo diễn Lê Mộng Hoàng ngồi nhìn khung hình cứ lắc đầu, la ầm vì nó giả quá, không thể chấp nhận.

Đến lượt chỉ đạo võ thuật Lý Huỳnh ra tay, ông làm công tác tâm lý cho anh quân sĩ: "Con phải gồng cứng cái mặt vô, hét to lên, cố gắng chịu đau, Lý Hùng chỉ đá một cái là xong, có gì đâu mà sợ".
Lý Hùng có nhiều kỉ niệm thú vị trong quá trình đóng phim.

Có lần, Lý Hùng bị ngựa... "tự phi" chạy suýt ngã. Lý do là sơ ý khi đeo kiếm, để kiếm đâm vô lưng ngựa làm nó đau mà càng đau thì nó càng chạy và càng chạy thì kiếm càng đâm vô lưng nên nó cứ cắm đầu chạy riết không chịu dừng. Đó là những kỉ niệm thú vị trong quá trình diễn xuất của tài tử điện ảnh một thời.

Người đóng cặp cùng Lý Hùng trong phim - nữ diễn viên Diễm Hương được xem là ngọc nữ của điện ảnh Việt Nam thập niên 1990. Vai Thùy Lan trong Thăng Long đệ nhất kiếm là một vai diễn gây ấn tượng của cô.
Vai Thùy Lan gây ấn tượng của Diễm Hương.

Từng tốt nghiệp trường Điện ảnh TP Hồ Chí Minh năm 1992, Diễm Hương đã trở thành biểu tượng của dòng phim thương mại những năm đầu 1990, tài năng và nhan sắc của cô đã mang lại sức sống cho nhiều vai diễn cổ trang đang thịnh hành ở giai đoạn này.

Thùy Lan là một vai diễn khó, đòi hỏi sự diễn tả nội tâm sâu sắc nhưng Diễm Hương đã hoàn toàn chinh phục người xem bằng lối diễn xuất tự nhiên của mình.
Nét buồn miên man của nhan sắc một thời trong phim Thăng Long đệ nhất kiếm.
Cô thể hiện những chuyển biến nội tâm sâu sắc.
Lý Hùng - Diễm Hương tạo nên một cặp đôi đẹp trên màn ảnh thời đó.

Phương Nhung/Dân trí


Nhà sản xuất phim Bebe Phạm cảm thấy sốc, Á hậu Huyền My, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam cảm thấy tiếc khi 3 cụm rạp Platinum sắp sửa đóng cửa vào ngày mai 24/2.

Mặc dù ra đời khá muộn nhưng hệ thống rạp Platinum Cineplex ở Royal City, Times City và Vincom Center Long Biên đã từng được xem là điểm hẹn giải trí của nhiều khán giả, nhất là khán giả trẻ. Tuy nhiên, nhiều khán giả đã rất bất ngờ khi thông tin các rạp chiếu ở những địa điểm này sẽ đóng cửa trong 3 ngày tới.

Á hậu Huyền My chia sẻ, nhà cô ở khu Royal City nên thỉnh thoảng cô cũng có xuống xem phim tại rạp Platinum Cineplex. Cảm nhận của cô về hệ thống rạp này là mọi thứ đều rất mới mẻ, sạch sẽ và hiện đại. Hệ thống phòng chiếu bố trí rất hợp lý, hệ thống âm thanh được đầu tư đạt chuẩn phòng chiếu 2D, 3D. Á hậu Huyền My cảm thấy rất bất ngờ khi nghe tin rạp Platinum Cineplex ở Royal City sẽ đóng cửa trong ngày tới.
Rạp chiếu Platinum là điểm hẹn giải trí của rất nhiều khán giả trẻ. Ảnh: Platinum.

“Cư dân ở Royal City có mật độ dân số rất đông và rạp chiếu là địa điểm giải trí giúp cư dân đỡ phải đi lại. Nhưng nếu cụm rạp này đóng cửa thì quả là một sự thiệt thòi rất lớn đối với cư dân ở đây”, Huyền My nói.

Anh Nguyễn Tuấn Đạt (26 tuổi) ở Long Biên, Hà Nội cũng chia sẻ rằng, nhà anh ở Long Biên nên anh rất hay cùng bạn bè và người thân qua xem phim ở rạp Platinum trong khu Vincom Center Long Biên. Bản thân anh thấy các phòng chiếu ở đây rất tốt, tiện nghi và hiện đại. Vào những ngày lễ hoặc ngày cuối tuần, khu vực rạp chiếu phim ở đây rất đông khán giả đến xem. Phim mà rạp Platinum ở Vincom Center Long Biên phát hành thường cập nhật nhanh. Nhân viên phục vụ khá thân thiện và chuẩn mực. Anh Đạt cho rằng, anh cảm thấy sốc khi biết tin rạp Platinum ở Vincom Center Long Biên đóng cửa.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp bày tỏ, nhà chị ở Hạ Đình - Thanh Xuân, rất gần Royal City, chị lại có thẻ Platinum nên rất khoái vào xem phim ở rạp này. Theo nữ đạo diễn này, hệ thống phòng chiếu của Platinum rất chăm nhập các phim hợp với thị hiếu của khán giả và có phần đa dạng.

“Hồi đầu mình tích cực ủng hộ vì thương rạp vắng khách nhưng về sau rạp ở Royal City đó rất đông, sôi động. Như bên đại diện Vincom trả lời là rạp phim đúng là thứ quan trọng với trung tâm thương mại đấy. Còn bẵng một quãng dài mình không xem, không rõ tình hình ra sao. Bản thân tôi thấy tiếc khi phải đóng cửa cụm rạp này vì mình vốn thích Platinum. Nhưng tôi không quá buồn vì rạp mới sẽ thay thế và mình ít khi chọn xem ở rạp trong Vincom, trừ BHD. Còn mình có chút ít kinh nghiệm với Vincom nên mình tin họ cực chẳng đã. Vì Vincom không có tiền lệ giở mặt hoặc kể lể lèm bèm. Mình tin là đến mức nào đó rồi họ mới phải xử lý như vậy. Họ thiệt nhiều nếu mất rạp chiếu. Không chỉ thiệt tiền thuê mặt bằng đâu. Cái này nên tham khảo thêm các rạp khác cũng thuê đất của Vincom xem sao. Tôi ủng hộ rạp tốt và ủng hộ rạp tốt đó kinh doanh đàng hoàng tử tế”, đạo diễn “Đập cánh giữa không trung” chia sẻ thật lòng.
Hệ thống phòng chiếu rất hiện đại với âm thanh, ánh sáng đạt chuẩn phòng chiếu quốc tế. Ảnh: Platinum.

Nhà sản xuất Bebe Phạm cho rằng, là một nhà sản xuất phim nên chị biết khá rõ về hệ thống rạp Platinum. Đây là hệ thống rạp tương đối lớn và tập trung chủ yếu ở phía Bắc. Họ cũng có cả công ty phát hành phim. Dù “sinh sau, đẻ muộn” hơn so với một số đơn vị khác nhưng Platinum đã rất nỗ lực trong khâu phát hành và đầu tư cho các cụm rạp.

“Tôi thấy như mới đây, Platinum “lấy” được John Wick 2 về chiếu ở Việt Nam là một điều đáng nể vì đây là một bộ phim đang “thắng” lớn trên thế giới. Tôi từng làm việc với Mỹ nhiều nên tôi biết hành trình mang được bộ phim này về quả là không dễ. Mỹ phải xem xét điều kiện về các phòng chiếu và nhiều điều kiện khác mới chấp nhận cho phép Platinum phát hành. Tôi hơi sốc khi biết 3 cụm rạp Platinum ở Hà Nội sắp phải đóng cửa trong nay mai. Chuyện làm ăn giữa hai bên tôi không đề cập đến nhưng tôi tiếc cho một cụm rạp mạnh về cả phát hành lẫn phòng chiếu như Platinum. Tôi biết, để đạt được tiêu chuẩn phòng chiếu quốc tế như hiện nay, Platinum đã đầu tư không phải ít. Tôi từng nói chuyện với nhiều nhà đầu tư thì họ có cho tôi biết là với mức đầu tư đó, phải 3 đến 4 năm, Platinum mới có cơ hội thu hồi lại vốn được. Và bây giờ, nếu cơ sự xảy ra như thế nghĩa là đơn vị này sẽ mất trắng. Tôi cảm thấy rất tiếc cho đơn vị này”, nhà sản xuất Bebe Phạm cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Nhiêm - Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam trong một cuộc trò chuyên, có chia sẻ rằng, hệ thống cụm rạp Platinum ở Hà Nội đều đạt tiêu chuẩn phòng chiếu quốc tế. Và kể từ khi ra đời, hệ thống cụm rạp này đã góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy thị trường phát hành và phổ biến phim nói riêng và điện ảnh Việt Nam nói riêng.

“Tôi cảm thấy rất tiếc nếu vì lý do nào đó mà 3 cụm rạp của Platinum ở Hà Nội không thể hoạt động tiếp. Tôi không hề vui một chút nào khi biết về chuyện này. Rõ ràng, Platinum đang hoạt động rất tốt và đang ngày càng được khán giả chọn làm địa điểm giải trí trung thành mỗi khi họ có nhu cầu. Nó đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi diện mạo thị trường điện ảnh Việt Nam những năm qua. Tôi cũng hơi bất ngờ khi nghe chuyện 3 cụm rạp này sắp phải đóng cửa”, ông Nhiên tâm sự.
Nhiều người không khỏi bất ngờ khi hay tin 3 cụm rạp của Platinum sắp đóng cửa. Ảnh: Platinum.

Chia sẻ với phóng viên vào chiều 22/2, ông Hải Đăng - Phụ trách truyền thông của Công ty TNHH Truyền thông Bạch Kim MVP, đơn vị đang quản lý hệ thống rạp chiếu phim Platinum cho biết hiện các cụm rạp Platinum ở Hà Nội vẫn đang mở cửa đón khách và chiếu phim bình thường. Tính đến thời điểm hiện tại, có 12 phim đang bán vé và công chiếu. Ông Hải Đăng cũng khẳng định, thông tin sẽ đóng cửa 3 cụm rạp Platinum tkhông gây ảnh hưởng đến hoạt động phát hành phim của công ty. Mặc dù lượng khách có đến ít hơn nhưng đó không phải là nỗi lo lắng lớn. Ông Đăng cho biết, đơn vị này sẽ sớm có thông tin gửi đến các cơ quan báo chí khi đã họp thống nhất.


Rạp chiếu phim ở Royal City có diện tích 6.300 m2 trên 2 mặt sàn tầng B2 và B3, với 10 phòng chiếu phim. Trong đó có 3 phòng được trang bị công nghệ 3D Digital và 7 phòng với 2D Digital, sức chứa tổng cộng 1.700 chỗ ngồi.

Rạp chiếu ở Times City có diện tích gần 5.400 m2, 11 phòng chiếu và 2.100 ghế ngồi, là quần thể rạp chiếu phim hiện đại bậc nhất Việt Nam và khu vực với hệ thống công nghệ tối tân của thế giới.

Platinum Cineplex – Long Biên nằm trong TTTM Vincom Center Long Biên, có tổng diện tích lên đến 3.400 m2. Cụm rạp có 7 phòng chiếu phim 2D và 3D Digital và hơn 1300 chỗ ngỗi trong một không gian độc đáo, tinh tế và sang trọng theo phong cách châu Âu.

Không chỉ đầu tư vào các thiết bị trình chiếu phim, Platinum còn hướng đến sự thoải mái và thân thiện với khách hàng bằng những sáng tạo không ngừng. Các phòng chiếu phim không chỉ đẹp, sang trọng mà còn được áp dụng các công nghệ hiện đại nhất với hệ thống ghế có nút điều chỉnh.

Trước đó, vào tối 20/2, sau vài tháng đàm phán bất thành, Multivision (chủ đầu tư của Platium), nhận được thông báo mới nhất của Tập đoàn Vingroup gia hạn thêm 3 ngày để hệ thống Platinum di chuyển mọi thiết bị khỏi 3 trung tâm chiếu phim đóng tại Vincom. Theo đó, 3 cụm rạp Platinum sẽ ngừng hoạt động và xúc tiến các thủ tục hoàn trả mặt bằng từ ngày 24/2.


Hà Tùng Long/ Dân trí

Bộ phim cảm động về tình phụ tử của đạo diễn Lương Đình Dũng được lựa chọn trình chiếu và tham gia tranh giải tại Liên hoan phim độc lập uy tín của nước Mỹ.


Bộ phim truyện dài Cha cõng con (tựa tiếng Anh: Father and Son) có độ dài 90 phút, mới được ban tổ chức Liên hoan phim Quốc tế Boston (BIFF) lần thứ 15 lựa chọn trình chiếu và tham gia tranh tài cùng nhiều tác phẩm điện ảnh ngoại khác.

Đây là sự kiện điện ảnh thường niên lần thứ 15 của Boston với sự tham gia của nhiều bộ phim dài, phim ngắn đến từ khắp nơi trên thế giới. Theo Ban Tổ chức, các tác phẩm trình chiếu năm nay được tuyển chọn nghiêm ngặt từ 3281 phim gửi đến.
Đạo diễn Lương Đình Dũng (áo đỏ) và các diễn viên tham gia phim. Ảnh: ĐLP.

Những bộ phim trình chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Boston sẽ cùng nhau tranh tài ở 17 hạng mục của liên hoan phim. Mỗi hạng mục sẽ có ba giải được trao, cũng như cúp lưu niệm dành cho những cá nhân xuất sắc tham dự BIFF. Các hạng mục trong Liên hoan phim được chia theo thể loại, bao gồm: phim truyện dài, phim ngắn, phim tài liệu, phim hoạt hình và phim thể nghiệm.

Theo kế hoạch, Liên hoan phim Quốc tế Boston năm nay sẽ diễn ra trong năm ngày từ 13 tới 17/4. BIFF là liên hoan phim lớn nhất tại bang Massachusetts nói riêng và nước Mỹ nói chung.
Một cảnh trong phim Cha cõng con khi quay tại vùng núi Hà Giang. Ảnh: ĐLP.

Trước tin vui trong những ngày đầu năm mới, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ: “Liên hoan phim Quốc tế Boston là một trong những sự kiện điện ảnh rất lớn mà Cha cõng con có vinh dự tham gia kể từ lúc bộ phim hoàn thành. Tôi không thực sự nghĩ ban tổ chức sẽ chọn lựa đứa con tinh thần của mình. Do đó, tôi cảm thấy bất ngờ và rất vui khi nay có cơ hội quảng bá Cha cõng con tới khán giả nước Mỹ. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, khán giả Việt Nam sẽ sớm được thưởng thức bộ phim ngoài rạp trong giữa năm nay”.
Bộ phim được đánh giá là mang ý tưởng độc đáo và gây nhiều xúc động về tình cha con. Ảnh: ĐLP.

Trước Cha cõng con, vào năm 2012, bộ phim Chạm của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Đức Minh, xoay quanh chuyện một anh thợ sửa xe và một cô gái làm móng tay sống tại Mỹ, từng có buổi ra mắt tại sự kiện tương tự và sau đó được ban tổ chức trao giải Quay phim xuất sắc.

Cha cõng con (Father and Son) được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên viết năm 1995 của đạo diễn Lương Đình Dũng. Chuyện phim kể về một cậu bé luôn mơ ước được chạm tay vào những đám mây bay trên bầu trời, và một người cha cả đời quanh quẩn đánh cá bên bờ sông. Cậu bé ấy tên Cá, lớn lên hồn nhiên như những con tôm, con cá. Hàng ngày, cậu tưởng tượng về vùng đất màu nhiệm trong những câu chuyện kể lung linh của một ông lão mù. Cậu mơ ước một ngày lớn lên sẽ được đến cái nơi huyền diệu ấy. Nhưng Cá không còn đủ thời gian, không thể đợi mình lớn lên, cũng không thể đợi bố bắt đủ hàng triệu con cá để chữa bệnh cho mình. Và người cha cõng con đi, đi mãi cho con nhìn thấy cuộc đời trước khi không thể... Các diễn viên tham gia Cha cõng con chủ yếu là nghiệp dư, ngoại trừ NSƯT Trần Hạnh trong vai ông mù và Ngô Thế Quân (nam diễn viên chính của Thời xa vắng) trong vai người cha. Riêng nhân vật Cá do cậu bé mồ côi Đỗ Trọng Tấn đến từ làng trẻ em SOS Việt Trì, Phú Thọ đảm nhận.

Hà Tùng Long/ Dân trí

Từ khi còn là cô bé biết xem phim tôi đã yêu nghệ thuật thứ bảy, đã trốn học vào rạp xem để say mê cũng số phận của các nhân vật trong phim.


Ở tuổi thiếu niên tôi tham gia đội kịch của Cung Thiếu nhi, mỗi lần đóng một vai nhỏ là thích lắm. Rồi cuộc đời dẫn tôi theo nghiệp khác nhưng tình yêu điện ảnh vẫn cháy âm ỉ và cơ duyên đã dẫn tôi chạm ngõ làng điện ảnh khi tham gia CLB ĐA Hanoifilm hai năm trước và CLB ĐA Tràng An hiện nay. Đó là nơi cung cấp những diễn viên phụ và diễn viên quần chúng cho các đoàn làm phim mà các đạo diễn và nhà sản xuất luôn tìm đến.

Cứ mỗi tuần một tối, chúng tôi tuy khác nhau về tuổi tác, về nghề nghiệp nhưng đều chung niềm yêu thích điện ảnh, thích được diễn xuất lại giao lưu để vui đùa xả xì trét, học chuyên môn về diễn xuất do các đạo diễn và diễn viên ĐA dạy. Tôi còn nhớ buổi học mỗi người phải tự nghĩ một tiểu phẩm thể hiện tâm trạng hỷ, nộ, ái, ố, rồi buổi tập các cách cười trong điện ảnh, phân biệt sự khác nhau giữa cách diễn của điện ảnh và sân khấu. Những buổi học đó thật vui và bổ ích. Một lần trong buổi học đạo diễn ném chiếc điện thoại xuống sàn nhà rồi gọi mỗi chúng tôi phải thể hiện những sự phản ứng khác nhau trước hiện tượng đó. Việc này thật không dễ dàng vì bạn phải nhạy cảm, có trí tưởng tượng phong phú và từ suy nghĩ bạn phải thể hiện được bằng hành động. Vì vậy bạn phải cần có chút năng khiếu diễn xuất, đấy là chưa kể không được nói ngọng, nói lắp, nói là phải tròn vành rõ chữ, có ngữ điệu. Tôi và mọi người trong CLB tuy đã đóng nhiều vai khác nhau nhưng vẫn e ngại khi có ai đó gọi mình là diễn viên mặc dù không có diễn viên phụ, diễn viên quần chúng chúng tôi thì bộ phim không thành.

Khi bước vào công việc một cách nghiêm túc quả là có nhiều bỡ ngỡ và không dễ dàng. Nếu người xem chỉ thấy diễn viên quần chúng chạy lướt qua màn hình thì cảnh đó chúng tôi phải diễn đi diễn lại nhiều lần, nếu là nội cảnh thì còn ngon chứ ngoại cảnh thì sẽ vất vả nếu ngoài trời quá nắng nóng hoặc quá rét , rồi mùa hè thì quay cảnh mặc áo lông còn mùa đông quay cảnh mặc áo cộc. Cảnh cười còn dễ nhưng cảnh khóc làm sao để khóc lại nhiều lần? Tôi còn nhớ khi quay cảnh đám tang trong phim “Lời ru mùa Đông” của đạo diễn Mai Hồng Phong, cảnh quay tập thể, mọi người đang mặt buồn rầu rĩ, có một anh diễn viên quần chúng cứ máy quay chĩa vào là bị buồn cười, thế là báo hại cả đoàn phải quay đi quay lại. Khi nhận một vai diễn dù là nhỏ, nhiều khi đến nơi mới biết mình vào vai gì và vội vàng học thoại nhưng chúng tôi phải nhanh chóng nhập vai để thể hiện dưới sự gợi ý của đạo diễn.

Một trong những bộ phim thời đầu đi quay của tôi để lại ấn tượng là vai bị cáo trong bộ phim “Tòa tuyên án” những tập đầu. Trông ngoài mình hiền khô mà lại vào vai mụ xảo quyệt. Vậy mà tôi đã quên chính tôi đi để trên Tòa cãi lại luật sư rất ghê gớm, rồi tôi nhập vai đến nỗi cảm thấy lạnh toát sống lưng khi chiếc còng số tám còng vào tay tôi trên vành móng ngựa. Cô bạn tôi khi xem bộ phim này có nói rằng sao tôi đáng ghét thế. Bạn nói vậy mà mình thấy mừng!

Kỉ niệm khác khi tôi vào vai bà mẹ chồng ghê gớm (ngoài đời tôi không có con trai) nên chỉ tưởng tượng ra thôi. Vậy mà cũng đanh đá ra trò mắng con trai (do đạo diễn Hiếu Phạm thủ vai) bênh vợ khiến chính mình khi xem lại cũng thấy mình “khó đỡ” quá!

Có một kỉ niệm vui đáng nhớ với tôi. Đó là hôm tôi đi siêu thị, vừa bước ra cửa có hai mẹ con cô bé chừng mười hai, mười ba tuổi, cô bé cứ nhìn tôi chăm chăm rồi thì thầm với mẹ. Mẹ cô bé tiến lại tôi hỏi: “Có phải chị đóng trong 5s online không? Con em muốn chụp ảnh kỉ niệm với chị”. Ồ hóa ra cô bé đã xem những tập phim tôi đóng trong bộ phim sitcom này: Vai bà Việt kiều thích mát xa, vai bà mẹ đi xem mặt người yêu con trai mình. Thật là thú vị và cũng là phần thưởng rất dễ thương cho những diễn viên nghiệp dư chúng tôi.

Niềm vui thì nhiều nhưng việc đi diễn không phải ít khó khăn. Khi đi quay phải phụ thuộc vào những yếu tố khách quan, có khi đi từ mờ sáng, đi bao đường đất nhưng đến nơi thì hoãn quay hay bể cảnh , hoặc có quay thì đợi cả một ngày mới đến lượt quay là chuyện không hiếm. Cát xê thì có lúc chỉ đủ tiền xăng nhưng những diễn viên phụ, diễn viên quần chúng chúng tôi vẫn vui vẻ và thích đi quay để thỏa mãn niềm đam mê. Cứ mỗi lần ra phim trường hay một cảnh quay dù là nhỏ, khi các máy quay bắt đầu hoạt động, ánh đèn flash chiếu vào, các nhân vật đã chuẩn bị vào vai để nghe tiếng hô “Action” của đạo diễn là tôi lại thấy phấn khích, lại muốn mình được hóa thân làm nhiều nhân vật…

Khi bạn xem một bộ phim bạn sẽ thấy sự nỗ lực của cả một ê kíp làm phim và trong đó có những diễn viên phụ, diễn viên quần chúng - những người không tên góp phần làm nên thành công của bộ phim đó!

To My
Hà Nội đầu xuân 2017/ Báo Văn Hóa

Giết người nhưng kiếm không vấy máu, xác chết thay đổi tư thế... là những "hạt sạn" trong bộ phim kiếm hiệp đang gây sốt.

Dương Thiết Tâm dùng thương đấu lại đám đông binh lính. Ở cảnh quay trước, mũi thương đẫm máu nhưng qua cảnh sau, mũi thương sạch sẽ. "Lẽ nào chàng Dương Thiết Tâm này mắc tật quá ưa sạch, đang đánh nhau cũng phải dừng lại lau thương mới đánh tiếp", một độc giả bình luận trên QQ.

Dương Thiết Tâm ra ngoài chuẩn bị nghênh chiến, lúc này, cánh cửa phía sau đang mở. Ở cảnh liền kề, cánh cửa ở trạng thái khép kín.
Vị trí bị đâm của Quách Khiếu Thiên nằm ở hai vị trí khác nhau trong hai phân cảnh liền kề.
Xác chết nằm thẳng ở cảnh quay trước nhưng nằm nghiêng, co chân ở cảnh kế tiếp. Vị trí của binh khí cũng bị thay đổi.
Đô Sử trúng tên ở lưng, ở một loạt cảnh đánh đấm sau đó, mũi tên biến mất...
Nhưng đến khi Quách Tĩnh ném Đô Sử ra xa, mũi tên lại xuất hiện ở vị trí cũ.
Khưu Xử Cơ giết rất nhiều binh lính nhưng lưỡi kiếm không hề vấy máu.
Chiếc dây thừng trên thuyền biến mất khi đổi góc quay.

Như Anh/VnExpress

Mọi năm, các nghệ sĩ sau khi bùng nổ trong Táo quân sẽ nghỉ ngơi đón Tết hoặc tản mạn lưu diễn ở các địa phương thì năm nay, “dàn Táo quân” đình đám sẽ hội ngộ trong liveshow khai Xuân "Năm con Kê - Cười cho nó phê" tại Hà Nội.

Như đã thành một thói quen, khán giả cả nước hồi hộp chờ mong màn "tống cựu” độc đáo của dàn Táo quân trước thời khắc giao thừa, để xem các Táo đã tấu trình lên Ngọc Hoàng những điều hay, dở như thế nào của hạ giới trong năm cũ.
Dàn Táo quân như Chí Trung, Vân Dung, Quang Thắng, Tự Long- Xuân Bắc sẽ tham gia chương trình tại Cũng Hữu nghị Việt Xô.

Mọi năm, các nghệ sĩ sau khi bùng nổ trong Táo quân sẽ nghỉ ngơi đón Tết hoặc tản mạn lưu diễn ở các địa phương. Nhưng, Xuân Đinh Dậu - mùa Xuân đặc biệt, năm của con Gà -Thần Kê dấu tích của văn minh, văn hóa trong tôn giáo và thần thoại Việt Nam thì các nghệ sĩ đình đám của phía Bắc cùng hội ngộ trong liveshow khai Xuân "Năm con Kê - Cười cho nó phê" diễn ra tối ngày 8 Tết âm lịch tại Hà Nội.

Lần đầu tiên, chương trình có sự hội ngộ đông đủ của dàn nghệ sĩ đình đám làng hài kịch phía Bắc. Dàn nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ với các nghệ sĩ: Chí Trung, Ngọc Huyền, Chí Huy, Ngọc Tuấn, Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Ngọc Quỳnh sẽ mang tới những tiểu phẩm hài hước nhưng cũng đầy tính nhân văn bởi chùm tiểu phẩm: “Thử thách tình yêu” và “Nắng chiều”.

Vân Dung- Quang Thắng- Công Lý kết hợp cùng nhau trong tiểu phẩm: "Đẻ năm con Kê".

Cặp nghệ sĩ không bao giờ chịu tách rời nhau là Xuân Bắc - Tự Long sẽ mang tới khán giả những trận cười sảng khoái trong tiểu phẩm chủ đề "Cười cho nó phê".
Minh Quân và Mỹ Dung.

Với những khúc ca Xuân rộn ràng tưng bừng do ca sĩ Minh Quân và Mỹ Dung mang tới, cùng những trận cười ngả nghiêng, sảng khoái bởi sự đổ bộ rầm rộ của dàn Táo Quân và sự dẫn chuyện hóm hỉnh, duyên dáng của nhà báo Ngô Bá Lục. "Năm con Kê -Cười cho nó phê" chào đón khán giả và hứa hẹn sự bùng nổ tưng bừng của một "đại tiệc" hoành tráng rực rỡ sắc màu, rộn rã thanh âm, tràn ngập niềm hân hoan, tươi vui, may mắn, chan chứa ân tình và đậm nhân văn.

Hà Thanh

Ngô Thế Quân vào vai người cha đơn thân sống ở thung lũng vắng trên triền núi cao trong phim "Cha cõng con" của đạo diễn Lương Đình Dũng.

Cha cõng con là phim độc lập của đạo diễn Lương Đình Dũng, có Ngô Thế Quân đóng chính. Cốt truyện kể về cặp cha con sống bên dòng sông lớn thuộc thung lũng vùng cao miền Bắc. Người cha chất phác làm nghề chài lưới kiếm ăn qua ngày. Còn người con ưa mộng mơ, hay tưởng tượng về vùng đất màu nhiệm trong những câu chuyện do một chàng trai mù kể. Khi con trai gặp bệnh hiếm, cuộc sống chậm nhịp miền sơn cước của họ rơi vào ngõ cụt.

Diễn viên Ngô Thế Quân (trái) và đạo diễn Lương Đình Dũng (phải) trong buổi họp báo giới thiệu phim ở Hà Nội sáng 18/1. Ảnh: Trung Qp.


Ngô Thế Quân chia sẻ trong buổi họp báo sáng 18/1: "Kể từ sau Thời xa vắng 2003, tôi chỉ tham gia một phim nữa là Chuyện của Pao. Tôi nhận lời tham gia dự án Cha cõng con bởi tình cảm cha con trong trẻo thấm đẫm trong kịch bản. Đây là bộ phim nói về lương tri của con người".

Cha cõng con là phim điện ảnh do đạo diễn Lương Đình Dũng chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên anh viết năm 1995. Nhà làm phim kể dự án này được anh ấp ủ trong gần một thập kỷ và mất gần ba năm để hoàn thành. Tác phẩm ghi hình ở thung lũng Bắc Mê (Hà Giang) vào đúng mùa mưa bão năm 2015. Bởi bối cảnh rộng lớn, những cảnh quay có mưa hay có nắng đều tận dụng mưa và nắng thật. Giám đốc hình ảnh - Lý Thái Dũng - khẳng định vẻ đẹp của khung hình trong phim toát ra từ tình cảm giữa các nhân vật chứ không chỉ từ cảnh quan miền sơn cước.
Cảnh trong phim "Cha Cõng Con". Ảnh: Tứ Vân.

Sau khi hoàn thành hậu kỳ từ tháng 11/2016, Cha cõng con tham gia một số liên hoan phim quốc tế như Euro Kino Czech International Independent Film, Canada International Film Festival, Worldfest-Houston Film Festival, ECU - European Independent Film Festival, Austin Film Festival... Tác phẩm giành giải "Phim truyện xuất sắc" ở liên hoan độc lập tôn vinh sự đa dạng - Canadian Diversity Film Festival 2016 - và giải "Quay phim xuất sắc" ở liên hoan Barcelona Planet 2016.

Ngoài Ngô Thế Quân, đô vật Hà Văn Hiếu (từng giành huy chương vàng SEA Games 25) hóa thân thành nhân vật mù lòa trong tác phẩm.

Phim mới dự kiến ra rạp trong nước vào tháng 4.


Vũ Văn Việt

Nam nghệ sĩ này đã phải đi thẳng tới bệnh viện cấp cứu ngay khi vừa quay xong phim hài “Tỏ tình Tết”, bộ phim duy nhất anh tham gia trong mùa Tết này.


Nhiều năm trước đây, nghệ sĩ Hồng Giang (Giang “còi) và Tiến Quang (Quang “tèo) là cặp đôi “chiếm sóng” rất nhiều phim hài Tết. Tuy nhiên, những năm gần đây, trong khi nghệ sĩ Tiến Quang vẫn “tằng tằng” một mùa Tết mấy phim hài thì nghệ sĩ Hồng Giang lại rất ít xuất hiện. Riêng Tết Đinh Dậu năm nay, nghệ sĩ Hồng Giang chỉ tham gia đúng một đĩa phim hài Tết là “Tỏ tình Tết”.

Nghệ sĩ Hồng Giang đã phải đi thẳng tới bệnh viện cấp cứu ngay sau khi quay xong phim hài Tết.

Chia sẻ lý do ít tham gia phim hài Tết, nghệ sĩ Hồng Giang cho biết, mấy năm nay anh bị bệnh nên bác sĩ cấm đi đóng phim.

“Tôi không muốn khai ra nhiều vì khai ra ở cương vị của tôi sẽ có rất nhiều người dòm ngó khi biết tôi bị bệnh. Đến bây giờ, khi tôi ngồi được với các bạn ở đây rồi nghĩa là tôi bị “thần chết” vồ hụt. Năm vừa rồi, rất nhiều người nổi tiếng đi, tôi không phải người nổi tiếng mà “thần chết” vẫn vồ tôi. Vì sức khỏe yếu nên tôi từ chối rất nhiều phim. Bác sĩ bảo: “Nghỉ ngơi tuyệt đối, cấm hoàn toàn đi làm phim. Nếu cậu đi thì người ta có cần đến cậu hay không không quan trọng nữa”. Đến bây giờ mọi người nhìn thấy tôi là tôi đã “tai qua nạn khỏi”. Còn sống là còn cống hiến và làm việc được”.

Nghệ sĩ Hồng Giang cũng cho biết, sau khi quay xong phim hài Tết này anh đã phải vào viện cấp cứu vì bệnh thoát vị đĩa đệm tái phát.

“Tôi bị bệnh thoát vị đĩa đệm nên khi quay xong “Tỏ tình Tết” đã đi thẳng vào bệnh viện cấp cứu luôn. Thực ra, trong khi đang làm phim, tôi đã bị đau rồi nhưng vì chưa quay xong nên phải uống thuốc giảm đau, bác sĩ cho liều giảm đau cũng mạnh. Những ngày thời tiết thất thường, những người mắc bệnh xương cốt như chúng tôi bao giờ cũng có vấn đề”, nghệ sĩ Hồng Giang tâm sự thêm.

Một cảnh trong phim "Tỏ tình Tết".

“Tết tỏ tình” ngoài nghệ sĩ Hồng Giang còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ: NSND Trung Hiếu, NSƯT Thu Hương (Hương “tươi”), Mạnh Hưng, Mai Long (Long “bầu”), Minh Nguyệt, Thủy Tiên, Vũ Duy, Đình Thám, Lương Giang, MC Võ Thanh Hiền…

Nội dung bộ phim xoay quanh câu chuyện “tỏ tình” của nhân vật Đối (Hồng Giang). Hành trình “ tỏ tình” ấy Đối được quân sư Cân (NSND Trung Hiếu) hỗ trợ đắc lực, bày ra các tuyệt chiêu để Đối chinh phục được Nhân (NSƯT Thu Hương). Vốn là một sinh viên giỏi (tốt nghiệp 4 trường đại học) nên Cân rất giỏi về khoa học, ứng dụng khoa học vào chăn nuôi thời hội nhập. Cân tin rằng “tỏ tình” cũng cần khoa học như chăn nuôi. Từ đó Cân ứng dụng những kiến thức , những lý luận khoa học được lĩnh hội trên giảng đường vào việc tán gái giúp Đối.

Trong quá trình quân sư cho Đối, Cân bắt gặp đôi mắt Yến (Lương Giang) và chìm đắm trong vẻ đẹp bình dị hút hồn ấy. Cả Cân và Đối say trong guồng quay men tình. Cân có một cậu giúp việc là Cán (đạo diễn Mai Long) cán thích Chổi (MC Võ Thanh Hiền) nhưng Chổi lại thích Cân, Phản (đạo diễn Đình Thám) thích Yến, Yến không thích Phản....Những câu chuyện tình tay ba ấy quanh quẩn lấy nhau, va chạm nhau trong mớ hành động và diễn biến phức tạp. Kết phim các cặp đôi đều đến với nhau hạnh phúc đón chào xuân mới ấm nồng.

Trả lời câu hỏi: “Ở tuổi U60 mà vẫn đóng những vai tỏ tình anh có cảm thấy hơi gượng gạo?”, nghệ sĩ Hồng Giang cho biết, tình yêu vốn không có tuổi.
MC Võ Thanh Hiền và đạo diễn Mai Long trong một cảnh quay.

“Vừa rồi tôi có nghe có một ông bên Mỹ, đã ngoài 70 tuổi nhưng tình yêu vẫn nồng nàn lắm. Tuổi già yêu theo kiểu già, trẻ yêu theo kiểu trẻ. Ngoài đời tôi tỏ tình tương đối nhiều lần, còn thành công hay không phải về nhà đếm lại.”, nghệ sĩ Hồng Giang nói.

Bản thân nam nghệ sĩ này có cảm giác như phim này không phải là hài Tết mà là bộ phim tâm lý tình cảm, hài lãng mạn. Mặc dù phim lấy mốc thời gian Tết làm bối cảnh chính để sự việc xảy ra nhưng không phải hài Tết.

MC Võ Thanh Hiền đóng vai Chổi trong phim cũng bày tỏ rằng, cô rất may mắn khi được đạo diễn và nhà sản xuất mời tham gia phim hài Tết này. Mặc dù vai của cô không phải là vai chính nhưng nó lại nằm trong “đường dây” diễn biến của câu chuyện. Và cô cũng đã có những màn tung hứng với các diễn viên để làm cho nhân vật của mình thật sự sống động và mang lại nhiều tiếng cười.

Hà Tùng Long

Đã đến lúc điện ảnh không còn trao “tấm vé an toàn” cho bất cứ ai… Tất cả, dù là “sao lớn” hay… “sao bé”, đều phải nỗ lực hết mình.

Will Smith, Tom Cruise, Mel Gibson… là những cái tên từng thống trị phòng vé hồi năm 1996, họ là những tài tử ăn khách nhất, giúp các hãng phim “hái ra tiền”. Một thập kỷ sau, những cái tên mới xuất hiện - Johnny Depp, Ben Stiller, Tom Hanks…

Nam diễn viên Ryan Reynolds trong phim “Deadpool” (Quái nhân)

Một thập kỷ sau nữa, năm 2016, đó là Chris Evans, Felicity Jones, Ryan Reynolds… Họ xuất hiện trong những bộ phim siêu anh hùng, phim khoa học viễn tưởng, như Captain America trong “Captain America: Nội chiến”, Jyn Erso trong “Rogue One: Star Wars ngoại truyện” và Deadpool trong “Quái nhân”.

Những thập niên khi mà tên của ngôi sao Hollywood có thể tác động lớn tới doanh thu của một bộ phim đã qua rồi, khi bản thân những loạt phim đình đám với tính giải trí cao, kịch bản tốt, hiệu ứng kỹ xảo hoành tráng và được quảng bá rầm rộ đang chiếm thế thượng phong.

Điện ảnh không còn trao tấm vé an toàn cho bất cứ ai

Dựa vào tên tuổi của các ngôi sao lớn, một bộ phim có thể “làm ăn” tốt ngoài phòng vé trong tuần đầu ra rạp, trước khi mạng xã hội bắt đầu tác động tới phim. Ban đầu, người ta sẽ “rỉ tai nhau”: Đây là phim mới của Julia Roberts, thử đi xem…

Cách đây một thập kỷ, việc công chúng ra rạp xem phim diễn ra rất đơn giản, khi trailer giới thiệu phim và những chiêu thức quảng bá phim là kênh thông tin cơ bản khiến người xem đổ ra rạp. Nhưng kể từ khi Internet và đặc biệt là mạng xã hội thống trị đời sống văn hóa đại chúng, có rất nhiều kênh thông tin tác động tới việc ra rạp xem phim của công chúng.

Đặc biệt là những bài “review” đánh giá phim xuất hiện “nhan nhản” trên mạng, tác động rất lớn tới khán giả. Giờ đây, sức mạnh của một bộ phim khi ra rạp, không chỉ còn phụ thuộc vào tên tuổi của ngôi sao như cách đây 1-2 thập kỷ, mà là sức mạnh tổng hợp, bao gồm tên tuổi ngôi sao, hãng phim, chuyện phim, thời điểm phim ra rạp…

Nếu trong phim có diễn viên nổi tiếng, đó sẽ là một chi tiết điểm nhấn, khiến công chúng bị thu hút, nhưng không còn mang tính quyết định.

“Rogue One: Star Wars ngoại truyện” là một ví dụ điển hình cho nhận định này, phim hiện tại đã thu về gần 915 triệu USD từ mức kinh phí đầu tư 200 triệu USD, trong phim chỉ có một cái tên nổi bật duy nhất, là nữ diễn viên Felicity Jones, ngoài ra, những diễn viên khác đều chỉ là diễn viên tầm trung hoặc thậm chí còn chưa được biết đến.


Felicity Jones trong “Rogue One: Star Wars ngoại truyện”

Ngược lại, những phim quy tụ cả một dàn sao điện ảnh, như “Collateral Beauty” (Vẻ đẹp cuộc sống) ra mắt vào đúng dịp lễ Giáng sinh, với sự tham gia của những diễn viên đình đám như Will Smith, Kate Winslet, Edward Norton, Helen Mirren, Keira Knightley… Một dàn diễn viên “siêu đỉnh” với tổng cộng 18 đề cử Oscar, vậy mà chỉ thu về hơn 48 triệu USD từ mức đầu tư 36 triệu USD.

Cũng gây sững sờ, phải kể tới “Passengers” (Người du hành) - một phim khoa học viễn tưởng pha trộn tình cảm lãng mạn có sự tham gia của Chris Pratt và Jennifer Lawrence - những diễn viên đình đám nhất của Hollywood ở thời điểm hiện tại, vậy mà phim chỉ thu về hơn 185 triệu USD từ mức đầu tư 110 triệu USD.

Chris Pratt từng gây sốt với “Guardians of the Galaxy” (Vệ binh giải ngân hà), Jennifer Lawrence gây sốt với loạt phim “The Hunger Games” (Đấu trường sinh tử). Nhưng khi hợp lực, họ vẫn không thể giúp “Passengers” thành công ngoài phòng vé. Đến thời điểm này, đã không còn tồn tại một công thức rõ ràng cho phim ăn khách hay một cái tên giúp đảm bảo doanh thu.

Chris Pratt và Jennifer Lawrence trong “Passengers” (Người du hành)

Ngược lại, Margot Robbie - gương mặt mới đến từ nước Úc, trước khi xuất hiện trong “Suicide Squad” (Biệt đội cảm tử) còn chưa được biết tới nhiều, nhưng chính nhờ diễn xuất của cô trong vai Harley Quinn mà “Suicide Squad” được cứu thua.

Điện ảnh giờ không còn trao tấm vé an toàn cho bất cứ diễn viên nào nữa, sau thành công với “Suicide Squad”, cũng chẳng ai dám chắc Margot Robbie sẽ tiếp tục là cái tên ăn khách ngoài phòng vé…

Margot Robbie trong “Suicide Squad” (Biệt đội cảm tử)


“Patriots Day” với Mark Wahlberg hay “Live by Night” với Ben Affleck thậm chí còn nhìn ra trước nguy cơ lỗ vốn ngoài phòng vé nếu phim ra rạp đúng dịp nghỉ lễ (thời điểm này, hàng loạt phim đồng loạt đổ bộ ra rạp).

Cả hai phim đều đã phải chiếu hạn chế một cách “cầm cự”, chờ kỳ nghỉ lễ kết thúc, mới bắt đầu chiếu rộng rãi, lúc này, sự cạnh tranh ngoài phòng vé đã giảm đi nhiều. Vậy là, ngay cả những cái tên đình đám một thời giờ cũng phải “lo ngay ngáy” vì ế khách.

Sao lớn liệu có thắng… siêu anh hùng?

Trước đây, dòng phim siêu anh hùng vốn không được đánh giá cao về mặt nghệ thuật và thường bị đặt ở “chiếu dưới”, các ngôi sao lớn muốn khẳng định vị trí “đỉnh cao” của mình thậm chí còn từ chối đóng phim siêu anh hùng vốn bị cho là quá thị trường…

Nhưng giờ đây, chỉ khi xuất hiện trong phim siêu anh hùng, các sao mới mong được tham gia vào những chiến dịch quảng bá phim rầm rộ, mới mong có cát-sê “khủng” và được đảm bảo rằng phim không lỗ vốn.

Bên cạnh những vai diễn “vị nghệ thuật” mà các sao vẫn thường đảm nhận để khẳng định tài năng diễn xuất, để nhắm tới các giải thưởng điện ảnh hàn lâm, giờ đây, họ sẵn sàng nhận đóng phim siêu anh hùng - dòng phim có thế mạnh thị trường.

Ví dụ điển hình tiếp tục là hai nam diễn viên Mark Wahlberg và Ben Affleck. Họ đều đã nhận lời xuất hiện trong các phim siêu anh hùng, phim khoa học viễn tưởng, như “Transformers: The Last Knight” (Transformers: Hiệp sĩ cuối cùng) và “Justin League” (Liên minh công lý).

Năm 2016, điện ảnh Hollywood hân hoan với doanh số lịch sử - 11,37 tỷ USD thu về từ phòng vé. Tất cả 10 phim có doanh thu lớn nhất thế giới năm 2016 đều là phim giả tưởng, trong đó, có không ít phim chẳng hề có sự xuất hiện của một diễn viên ngôi sao nào, có thể kể tới những phim hoạt hình đình đám như “Đi tìm Dory”, “Phi vụ động trời”, “Cậu bé rừng xanh”, “Đẳng cấp thú cưng”…

Đã tròn 20 năm kể từ khi khán giả đổ ra rạp chỉ để xem Will Smith chiến đấu với người ngoài hành tinh trong “Independence Day”, xem Tom Cruise diễn xuất ngoạn mục trong “Mission: Impossible” để rồi ngay sau đó lại mua vé xem tiếp Cruise diễn trong “Jerry Maguire”.

Will Smith đã từng là cái tên ăn khách ngoài phòng vé nhưng thời cuộc thay đổi, Smith và nhiều bạn diễn ngôi sao khác đã chẳng làm nên thành công cho “Collateral Beauty”, nhưng khi Smith xuất hiện trong “Suicide Squad” (Biệt đội cảm tử) - một phim phản anh hùng của DC, thì dù phim bị giới phê bình chê bai tơi tả và chẳng có nhiều sao hội tụ, đây vẫn cứ là “bom tấn” của năm.

Điều này không có nghĩa ngôi sao không còn quan trọng, bởi tâm lý công chúng vẫn luôn bị thu hút bởi người nổi tiếng. Nhưng chúng ta đang trong thời đại của phim siêu anh hùng, người xem quan tâm tới nhân vật hơn là diễn viên.

Nếu ra rạp để xem “Captain America: Nội chiến”, người ta quan tâm tới việc Captain America đấu với Người Sắt, chứ không phải việc hai nam diễn viên Chris Evans và Robert Downey đối đầu trên màn ảnh…

“Captain America: Nội chiến”

Ngay đầu thế kỷ 21, cục diện đã thay đổi, khi các seri phim ăn khách xuất hiện, mà đỉnh cao phải kể tới “The Fast and the Furious” (Quá nhanh, quá nguy hiểm - 2001). Phim thành công lớn dù dàn diễn viên khi đó vẫn còn vô danh, với Vin Diesel và Paul Walker “tay không bắt giặc”.

Cái được trong sự chuyển mình này, đó là cơ hội rộng mở hơn cho những tài năng diễn xuất, khi tài năng giờ quan trọng ngang (thậm chí hơn) tên tuổi. Khán giả sẽ được thấy những gương mặt mới triển vọng, chất lượng phim được đẩy lên cao. Tất cả, dù là sao lớn hay… “sao bé”, đều phải nỗ lực hết mình. Điện ảnh đã không còn trao tấm vé an toàn cho bất cứ ai.

Bích Ngọc
Theo USA Today

Dự án hợp tác giữa Nhật Bản, Philippines và Campuchia kể về cuộc sống của những người sống xa quê hương nhưng nặng lòng với vùng đất mới.

Tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo hồi 2015, Trung tâm Quỹ châu Á Nhật Bản đã khởi động dự án Asian Three-Fold Mirror với mục đích tạo nên chuỗi phim hợp tác giữa các nền điện ảnh châu Á. Reflections – bộ phim đầu tiên của dự án này – hoàn thành sau một năm và vừa được ra mắt trong khuôn khổ liên hoan lần 29 năm nay. Đây là chùm ba phim ngắn kết hợp giữa Nhật Bản, Philippines và Campuchia, với đề tài về người nhập cư và bối cảnh thời gian ở nhiều thời kỳ lịch sử của ba nước.


Poster phim “Asian Three-Fold Mirror: Reflections”. Ảnh: 2016 TIFF.

Dead Horse của đạo diễn Philippines – Brillante M. Mendoza – là phim ngắn thứ nhất. Nội dung kể về một người đàn ông Philippines nhập cư bất hợp pháp ở Nhật và đam mê đua ngựa. Sau nhiều thập kỷ, ông bị trục xuất về Manila. Xa quê nhà đã lâu và cũng gần như không còn người thân thích, người đàn ông này cảm thấy sự xa lạ ở ngay nơi mình sinh ra. Lúc nào ông cũng đau đáu hướng về nước Nhật – nơi đã gắn bó 20 năm – và cảm thấy mình như một con ngựa đang hấp hối trên mảnh đất hương hỏa.

Pigeon, phim thứ hai, do đạo diễn Isao Yukisada (Nhật Bản) thực hiện lại kể về mối quan hệ giữa một ông lão Nhật cô đơn sống ở Malaysia và cô gái giúp việc mới, với sự kết nối là những chú chim bồ câu. Phim ngắn cuối cùng – Beyond the Bridge (Campuchia) – lại là câu chuyện tình lãng mạn giữa một chàng trai Nhật và cô gái bản địa, giữa bối cảnh nội chiến Khmer vào thập niên 1970.


“Beyond the Bridge” kể về một câu chuyện tình lãng mạn thời kỳ nội chiến Khmer những năm 1970. Ảnh: 2016 TIFF.

Ba bộ phim là ba câu chuyện, ba góc nhìn về người nhập cư nhưng có chung tông màu là sự hoài cổ, nỗi niềm về quá khứ của các nhân vật.

Người đàn ông Philippines trong phim thứ nhất nhớ quãng thời gian tươi đẹp ở Nhật, dù khi đó ông sống theo kiểu “trốn chui trốn lủi”. Ông lão Nhật Bản trong phim thứ hai nhớ bãi biển kỷ niệm ở Malaysia nên quyết định dành trọn phần đời còn lại của mình ở đất nước này. Chàng trai Nhật Bản trong phim cuối lại vương vấn mãi tuổi trẻ của mình bên cây cầu ở Phnom Penh – nơi anh đã có một mối tình đẹp nhưng không thành với một cô gái Campuchia.

Mỗi phim đều có một hình ảnh mang tính biểu tượng. Ở Dead Horse là những chú ngựa đua – tượng trưng cho hình ảnh “bất kham” của người đàn ông Philippines. Trong Pigeon, những chú chim bồ câu thể hiện cho lòng trung thành, tự do và cả sự thuần khiết. Hình ảnh hoa nhài xuất hiện rất nhiều trong phim Beyond the Bridge thể hiện cho vẻ đẹp của người phụ nữ Campuchia. Dù sống giữa bom đạn chiến tranh, cô gái ấy vẫn giữ sự lạc quan, ung dung và tình yêu với chàng trai trẻ người Nhật.

Phim Dead Horse có sự gai góc, trần trụi dưới ngôn ngữ điện ảnh của đạo diễn người Philippines – Brillante M. Mendoza. Pigeon thể hiện sự tinh tế, pha chút hài hước rất đặc trưng trong phong cách của đạo diễn người Nhật – Isao Yukisada. Beyond the Bridge lại mang vẻ mềm mại, nữ tính và lãng mạn của nhà làm phim phái đẹp - Sotho Kulikar. Khi ghép lại thành một phim dài, cả ba phim ngắn đều gợi được những cảm xúc mạnh mẽ cho người xem, với những câu chuyện đời thường xảy ra ở châu Á.


Một cảnh trong phim ngắn “Pigeon”. Ảnh: 2016 TIFF.

Reflections mang tới những khung hình đẹp và đậm nét văn hóa của từng nước. Manila hiện lên là một thủ đô đông đúc với những con đường tắc nghẽn, ôtô nối đuôi nhau. Nhật Bản hiện lên thấp thoáng với hình ảnh hoa anh đào. Malaysia có những con phố cổ kính, nên thơ. Phnom Penh có những điệu múa truyền thống đầy quyến rũ và các món ăn Khmer hấp dẫn.

Tác phẩm đầu tiên của dự án Asian Three-Fold Mirror đã làm tốt vai trò quảng bá văn hóa, du lịch thông qua điện ảnh.

Đại diện Trung tâm Quỹ châu Á Nhật Bản – đơn vị đồng khởi xướng dự án này – cho biết trong những phim tiếp theo, Asian Three-Fold Mirror hướng tới các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Myanmar, Lào, Việt Nam… và sẽ chọn lựa những đạo diễn nổi bật ở từng nước để thực hiện. Đây là một xu thế hợp tác điện ảnh tốt để đưa lên màn ảnh rộng những câu chuyện đời sống gần gũi, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử của các nước châu Á, cũng như góp phần quảng bá văn hóa và du lịch.


Nguyên Minh/ VnExpress

Sự sơ suất trong khâu sản xuất và biên tập đã khiến khán giả dễ dàng nhận ra những lỗi ngớ ngẩn này.


Trong bộ phim thời dân quốc "Thiếu Soái" khán giả nhanh chóng nhận ra nhân viên trường quay mặc quần âu, áo thể thao xanh nổi bật lọt vào khung hình.




Nhân vật của Địch Lệ Nhiệt Ba ngồi trên bậc thang còn vương đầu mẩu thuốc lá trong phim "Cổ kiếm kỳ đàm".


Tương tự với một cảnh trong phim "Tùy đường anh hùng 3".


Điện thoại iPhone xuất hiện trong phim cổ trang "Tân Lộc đỉnh ký".


Cũng trong "Tân Lộc đỉnh ký" là cảnh một người đàn ông mặc trang phục hiện đại đang quay phim bị lọt vào khung hình.


Nghiêm Khoan thoải mái khoe đồng hồ trong poster của "Tân thần điêu đại hiệp"




Quạt gió của điều hòa xuất hiện nhan nhản trong một cảnh quay của "Thâm cung nội chiến".


Và cả trong "Cung tỏa tâm ngọc".


Ống nước và vòi nước hiện đại cũng trong "Cung tỏa tâm ngọc" - bộ phim làm nên tên tuổi Dương Mịch.


Nhân vật nam lộ cả bộ tóc giả trong cảnh tranh chấp.


"Tôn Ngộ Không" chưa đến lượt quay vẫn lọt vào khung hình của hai nhân vật khác khi mặc trang phục hiện đại.


Lời thoại bị nhốt 3 năm của nhân vật trở nên hài hước khi khán giả nhận thấy chiếc còng tay hoàn toàn có thể tháo ra.


"Hàn sơn tiềm long" - phim lấy bối cảnh thời Bắc Tống (Trung Quốc) - có cảnh nhân vật nữ cầm kịch bản trên tay.


Một lỗi không thể vô duyên hơn khi nhân viên hậu kỳ cầm điện thoại cũng lọt vào cảnh quay cổ trang.
Theo Vi An (Đời sống & pháp luật)
Được tạo bởi Blogger.