Tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo hồi 2015, Trung tâm Quỹ châu Á Nhật Bản đã khởi động dự án Asian Three-Fold Mirror với mục đích tạo nên chuỗi phim hợp tác giữa các nền điện ảnh châu Á. Reflections – bộ phim đầu tiên của dự án này – hoàn thành sau một năm và vừa được ra mắt trong khuôn khổ liên hoan lần 29 năm nay. Đây là chùm ba phim ngắn kết hợp giữa Nhật Bản, Philippines và Campuchia, với đề tài về người nhập cư và bối cảnh thời gian ở nhiều thời kỳ lịch sử của ba nước.
Poster phim “Asian Three-Fold Mirror: Reflections”. Ảnh: 2016 TIFF.
Dead Horse của đạo diễn Philippines – Brillante M. Mendoza – là phim ngắn thứ nhất. Nội dung kể về một người đàn ông Philippines nhập cư bất hợp pháp ở Nhật và đam mê đua ngựa. Sau nhiều thập kỷ, ông bị trục xuất về Manila. Xa quê nhà đã lâu và cũng gần như không còn người thân thích, người đàn ông này cảm thấy sự xa lạ ở ngay nơi mình sinh ra. Lúc nào ông cũng đau đáu hướng về nước Nhật – nơi đã gắn bó 20 năm – và cảm thấy mình như một con ngựa đang hấp hối trên mảnh đất hương hỏa.
Pigeon, phim thứ hai, do đạo diễn Isao Yukisada (Nhật Bản) thực hiện lại kể về mối quan hệ giữa một ông lão Nhật cô đơn sống ở Malaysia và cô gái giúp việc mới, với sự kết nối là những chú chim bồ câu. Phim ngắn cuối cùng – Beyond the Bridge (Campuchia) – lại là câu chuyện tình lãng mạn giữa một chàng trai Nhật và cô gái bản địa, giữa bối cảnh nội chiến Khmer vào thập niên 1970.
“Beyond the Bridge” kể về một câu chuyện tình lãng mạn thời kỳ nội chiến Khmer những năm 1970. Ảnh: 2016 TIFF.
Ba bộ phim là ba câu chuyện, ba góc nhìn về người nhập cư nhưng có chung tông màu là sự hoài cổ, nỗi niềm về quá khứ của các nhân vật.
Người đàn ông Philippines trong phim thứ nhất nhớ quãng thời gian tươi đẹp ở Nhật, dù khi đó ông sống theo kiểu “trốn chui trốn lủi”. Ông lão Nhật Bản trong phim thứ hai nhớ bãi biển kỷ niệm ở Malaysia nên quyết định dành trọn phần đời còn lại của mình ở đất nước này. Chàng trai Nhật Bản trong phim cuối lại vương vấn mãi tuổi trẻ của mình bên cây cầu ở Phnom Penh – nơi anh đã có một mối tình đẹp nhưng không thành với một cô gái Campuchia.
Mỗi phim đều có một hình ảnh mang tính biểu tượng. Ở Dead Horse là những chú ngựa đua – tượng trưng cho hình ảnh “bất kham” của người đàn ông Philippines. Trong Pigeon, những chú chim bồ câu thể hiện cho lòng trung thành, tự do và cả sự thuần khiết. Hình ảnh hoa nhài xuất hiện rất nhiều trong phim Beyond the Bridge thể hiện cho vẻ đẹp của người phụ nữ Campuchia. Dù sống giữa bom đạn chiến tranh, cô gái ấy vẫn giữ sự lạc quan, ung dung và tình yêu với chàng trai trẻ người Nhật.
Phim Dead Horse có sự gai góc, trần trụi dưới ngôn ngữ điện ảnh của đạo diễn người Philippines – Brillante M. Mendoza. Pigeon thể hiện sự tinh tế, pha chút hài hước rất đặc trưng trong phong cách của đạo diễn người Nhật – Isao Yukisada. Beyond the Bridge lại mang vẻ mềm mại, nữ tính và lãng mạn của nhà làm phim phái đẹp - Sotho Kulikar. Khi ghép lại thành một phim dài, cả ba phim ngắn đều gợi được những cảm xúc mạnh mẽ cho người xem, với những câu chuyện đời thường xảy ra ở châu Á.
Một cảnh trong phim ngắn “Pigeon”. Ảnh: 2016 TIFF.
Reflections mang tới những khung hình đẹp và đậm nét văn hóa của từng nước. Manila hiện lên là một thủ đô đông đúc với những con đường tắc nghẽn, ôtô nối đuôi nhau. Nhật Bản hiện lên thấp thoáng với hình ảnh hoa anh đào. Malaysia có những con phố cổ kính, nên thơ. Phnom Penh có những điệu múa truyền thống đầy quyến rũ và các món ăn Khmer hấp dẫn.
Tác phẩm đầu tiên của dự án Asian Three-Fold Mirror đã làm tốt vai trò quảng bá văn hóa, du lịch thông qua điện ảnh.
Đại diện Trung tâm Quỹ châu Á Nhật Bản – đơn vị đồng khởi xướng dự án này – cho biết trong những phim tiếp theo, Asian Three-Fold Mirror hướng tới các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Myanmar, Lào, Việt Nam… và sẽ chọn lựa những đạo diễn nổi bật ở từng nước để thực hiện. Đây là một xu thế hợp tác điện ảnh tốt để đưa lên màn ảnh rộng những câu chuyện đời sống gần gũi, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử của các nước châu Á, cũng như góp phần quảng bá văn hóa và du lịch.
Nguyên Minh/ VnExpress