Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, thời gian qua Bộ VHTTDL đã luôn chủ động, quyết liệt trong thực hiện những nhiệm vụ được giao; đặc biệt là tinh thần thẳng thắn, không né tránh những nổi cộm. Tuy nhiên, bên cạnh chuyển biến, một số lĩnh vực vẫn còn những tiêu cực, tồn đọng khó dứt điểm trong một sớm một chiều.
Chấn chỉnh biến tướng trong lễ hội
Công tác quản lý hoạt động lễ hội đang diễn ra sôi động là nội dung được Tổ Công tác quan tâm tại buổi làm việc. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ VHTTDL là đơn vị thứ 14 được Tổ công tác kiểm tra và cũng là Bộ đầu tiên được kiểm tra sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, lễ hội hiện đang là tâm điểm làm nóng dư luận, Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL phải ra quân ngay từ những giờ đầu, ngày đầu của mùa lễ hội; không được sử dụng xe công, không sử dụng giờ hành chính đi lễ hội. Thủ tướng cũng lưu ý một số hiện tượng phản cảm, biến tướng trong lễ hội như cướp lộc, bạo lực, trục lợi… khiến người dân không đồng tình. Một số lễ hội quy mô lớn, thời gian kéo dài nhưng thiếu sự điều hành thống nhất, không có sự đồng hành của địa phương. Ý thức của người tham gia lễ hội còn nhiều biểu hiện tiêu cực, phản cảm.
“Bộ VHTTDL với trách nhiệm tham mưu giúp Thủ tướng trong công tác quản lý lễ hội cần chủ động trong các hoạt động thanh kiểm tra, kịp thời lên tiếng chấn chỉnh trước những biểu hiện phản cảm, biến tướng; nhất là khi mùa lễ hội còn tiếp tục kéo dài”,Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Trịnh Thị Thủy báo cáo về chuỗi công việc đã triển khai nhằm tăng cường công tác quản lý các hoạt động trong mùa lễ hội. “Luôn xác định quản lý nhà nước về lễ hội là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, các đơn vị chức năng đã ban hành nhiều văn bản quản lý, đôn đốc, nhắc nhở địa phương tăng cường quản lý, giám sát và chủ động ứng phó trước những biến tướng, phản cảm tại các lễ hội lớn. Nhiều hoạt động kiểm tra tại các “điểm nóng” thường xuyên được tổ chức, do lãnh đạo Bộ trực tiếp làm trưởng đoàn.
Sự quyết liệt trong công tác quản lý đã điều chỉnh, hạn chế, cắt bỏ nhiều phản cảm như tục chém lợn tại lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh), tục cướp phết tại lễ hội Đả cầu cướp Phết ở Bàn Giản (Vĩnh Phúc), tục treo cổ trâu ở lễ hội Đền Đông Cuông (Yên Bái), đập đầu trâu trong lễ hội Cầu trâu ở Tam Nông (Phú Thọ)…”, bà Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cũng cho biết, Bộ kiên quyết không cho phép tổ chức những lễ hội có bạo lực, đặc biệt là những hội thi chọi trâu không phải lễ hội truyền thống. Trong hệ thống các văn bản quản lý nhà nước về lễ hội đã ban hành cũng như dự thảo Chỉ thị chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm vừa được Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ đều nhấn mạnh nội dung quản lý, chấn chỉnh các hành vi bạo lực, phản cảm trong lễ hội.
Toàn cảnh buổi làm việc
Chánh Thanh tra Bộ Vũ Xuân Thành cũng khẳng định, trong nhiều chuyển biến của công tác quản lý lễ hội năm nay có một nội dung rất đáng chú ý là sự đồng tình của dư luận với quan điểm chỉ đạo của Bộ, đặc biệt trong việc chấn chỉnh, giảm thiểu yếu tố bạo lực.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái cũng nhấn mạnh sự vào cuộc tích cực, quyết tâm và đồng hành với Bộ của chính quyền các địa phương, BQL các di tích, BTC các lễ hội trọng điểm; đặc biệt là sự chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng tại các địa phương, nơi sở hữu những lễ hội lớn, thu hút đông đảo nhân dân và du khách.
“Quản lý lễ hội là nhiệm vụ được Bộ triển khai thường xuyên, quyết liệt, không chỉ theo mùa”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định. Theo Bộ trưởng, lường trước những vấn đề nảy sinh, công tác chuẩn bị, đôn đốc và giám sát, kiểm tra để có chỉ đạo kịp thời ở các lễ hội lớn luôn được lãnh đạo Bộ quan tâm. Những hạn chế, khuyết điểm ở mùa lễ hội 2016 lập tức đã trở thành bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý năm 2017. Trên thực tế, chuyển biến tại một số lễ hội như ở Ném Thượng (Bắc Ninh), Đông Cuông (Yên Bái), Bàn Giản (Vĩnh Phúc), Đền Trần (Nam Định), Đền Trần (Thái Bình)... đã cho thấy tác động tích cực từ sự vào cuộc sát sao, quyết liệt này.
“Tuy nhiên, vì lễ hội luôn là lĩnh vực nhạy cảm, công tác quản lý phải thừa nhận luôn chịu sự tác động của những yếu tố khách quan. Trong đó, giữa yêu cầu của công tác quản lý với thực tiễn đời sống còn tồn tại một khoảng cách, không thể tạo nên chuyển biến toàn diện chỉ trong một sớm một chiều. Quan điểm chỉ đạo của Bộ là từng bước khắc phục những hạn chế, phản cảm, năm sau tốt hơn năm trước. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tải những ý kiến chỉ đạo lãnh đạo Bộ…”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, trong tuần tới, Bộ sẽ tổ chức sơ kết nhanh diễn biến những tuần đầu tiên của mùa lễ hội năm 2017. Đối với những lễ hội còn tồn tại phản cảm, Bộ sẽ chính thức nhắc nhở, chấn chỉnh và nghiêm khắc rút kinh nghiệm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cùng các đại biểu
Vướng mắc ở đâu xử lý tại đó
Báo cáo Tổ công tác, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, từ 1.1.2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng đã giao Bộ VHTTDL thực hiện 282 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 158 nhiệm vụ, trong 124 nhiệm vụ đang thực hiện có 4 nhiệm vụ quá hạn, chưa hoàn thành.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu: “Tỷ lệ quá hạn không nhiều, thể hiện sự cố gắng rất lớn của Bộ. Tuy nhiên, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc truyền đạt một số vấn đề yêu cầu Bộ xem xét, giải trình và có giải pháp khắc phục, đặc biệt là những nội dung nhạy cảm, được dư luận quan tâm…”.
Bên cạnh công tác quản lý lễ hội, Thủ tướng yêu cầu Bộ báo cáo về tiến độ triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; việc triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tại Hội An… Những mặt trái trong phát triển du lịch như vấn đề khách đến không muốn quay trở lại, chất lượng hướng dẫn viên, chất lượng dịch vụ, hạ tầng, tình trạng “chặt chém”… cần có giải pháp triệt để như thế nào? Ý kiến của Bộ trước những biểu hiện manh mún, phản cảm trong phát triển du lịch, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập?
Vấn đề thứ ba là về thể thao và gia đình. Sau những thành tích ấn tượng của thể thao năm 2016, cần tiếp tục lưu ý một số trọng điểm như công tác đào tạo vận động viên trẻ, phát triển thể thao quần chúng, chống tiêu cực trong thể thao, nhất là trong bóng đá. Bên cạnh đó, cần chú ý một số vấn đề về phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh xã hội hóa, tránh xảy ra tình trạng tập trung làm dịch vụ mà bỏ quên mục tiêu chính là phục vụ hoạt động thể thao, tránh phá vỡ quy hoạch, hạ tầng không được tu bổ thường xuyên…
Về gia đình, Thủ tướng lưu ý vấn đề giáo dục văn hóa ứng xử, nền tảng đạo đức trong mỗi gia đình, tăng cường công tác phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trẻ em…
Thứ tư là bảo tồn di tích, trang trí đường phố. Cần chú trọng bảo đảm cảnh quan, trật tự hè phố, cảnh quan đô thị, đặc biệt trước các hiện tượng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; các băng rôn biển hiệu, biển quảng cáo sử dụng nhiều tiếng nước ngoài…
Thứ năm, Thủ tướng yêu cầu Bộ lưu tâm công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt khi năm 2016 đã bùng nổ các cuộc thi sắc đẹp từ cấp quốc gia tới địa phương. Cùng với đó là công tác phong tặng, truy tặng danh hiệu, xét tặng giải thưởng cho các văn nghệ sĩ. Những hoạt động này cần phải công tâm, khách quan, được sự đồng tình của dư luận.
Thực hiện yêu cầu của Tổ công tác, đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ cũng đã giải trình, làm rõ nguyên nhân của 4 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành. Theo đó, các đơn vị cam kết sẽ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, 2 nhiệm vụ sẽ được hoàn thành trong tháng 2.2017; 2 nhiệm vụ còn lại hoàn thành trong quý I năm 2017.
Phát biểu tiếp thu, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, năm 2016, ngành VHTTDL đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên từng lĩnh vực quản lý. Bên cạnh đó cũng còn tồn tại nhiều vấn đề, tiêu cực phát sinh cần giải quyết. Bộ trưởng đề nghị Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành cùng tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Bộ VHTTDL trong triển khai các nhiệm vụ quan trọng được giao. Bộ trưởng cũng chỉ đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ quyết liệt triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ, vướng mắc ở đâu xử lý tại đó, không để ngừng trệ, chậm tiến độ.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, công tác pháp chế là lĩnh vực được Bộ ưu tiên số một. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực này, không để xảy ra tình trạng tồn đọng. “Khẳng định những chuyển biến tích cực nhưng lãnh đạo Bộ cũng không né tránh những tiêu cực, những tồn đọng chưa được giải quyết. Điều quan trọng nhất là việc đưa ra những giải pháp để giải quyết mạnh mẽ, dứt điểm những tồn đọng”, Bộ trưởng phát biểu.
Trên từng lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã báo cáo tiến độ các công việc được triển khai, thể hiện sự quyết liệt, chủ động trong chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Đó là sự tích cực trong tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; việc xây dựng Luật Du lịch sửa đổi; Luật TDTT sửa đổi; các biện pháp chấn chỉnh tiêu cực trong kinh doanh lữ hành, du lịch, trong thi đấu thể thao; công tác phòng chống bạo lực gia đình; công tác tổ chức các cuộc thi sắc đẹp; hoạt động phong tặng, truy tặng các danh hiệu, giải thưởng…
“Với tinh thần lắng nghe, cầu thị, Bộ VHTTDL xin tiếp thu các ý kiến, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác. Bộ VHTTDL cũng mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong thời gian tới để hoàn thành có chất lượng mọi nhiệm vụ được giao…”, Bộ trưởng phát biểu.
Thu Trang; ảnh: Trần Huấn
Báo Văn Hóa